Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 22: Tại sao không được phép? (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? * (tiếp theo)

8 - Quả thực người ta phải luôn luôn gắn bó với những điều Chúa Kitô dạy bảo, còn tất cả những gì khác không phù hợp với giáo huấn Ngài đều chẳng là gì cả và cũng chẳng đáng tin. Giờ đây những ai còn muốn thông giao với Thiên Chúa theo lối Luật cũ, sẽ chỉ tiến bước hoài công. Hơn nữa, vào thời Luật cũ không phải ai cũng được phép thỉnh vấn Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng đâu trả lời cho hết mọi người mà chỉ trả lời cho các tư tế và ngôn sứ, rồi dân phải học lại nơi họ cả về lề luật và giáo lý. Nếu ai đó muốn biết một điều gì đó từ Thiên Chúa, sẽ không tự mình nhưng phải nhờ ngôn sứ hay tư tế thỉnh vấn giùm. Vua Đavít thỉnh thoảng có tự mình thỉnh vấn Thiên Chúa, chính vì ông là một ngôn sứ và khi làm điều ấy ông luôn khoác lên người phẩm phục tư tế như người ta thấy nơi sách Samuel quyển I (23,9), chỗ Đavít nói với tư tế Abiathar: "Đem ê-phốt lại đây!", tức là hãy khoác áo thụng êphốt vào người ông. Áo thụng này là thứ phẩm phục quyền quý nhất của chức tư tế. Chính vua Đavít đã khoác nó lên người khi thỉnh vấn Thiên Chúa. Còn những lần khác vua Đavít thỉnh vấn Thiên Chúa qua ngôn sứ Nathan và qua các ngôn sứ khác. Qua miệng các ngôn sứ và các tư tế ấy, người ta phải tin rằng chính Thiên Chúa phán họ chứ không phải do ý kiến riêng của các vị ấy.

9 - Những gì Thiên Chúa phán thời ấy chẳng có quyền uy hay sức mạnh buộc người ta phải hoàn toàn tin vào đó nếu chúng không được miệng các tư tế và ngôn sứ chuẩn y. Đó là vì Thiên Chúa rất mong muốn cho con người được điều khiển và dẫn dắt do người đồng loại của họ cũng như biết ứng xử và làm chủ bản thân theo lý trí tự nhiên. Ngài hoàn toàn mong muốn rằng những gì Ngài thông ban cho ta cách siêu nhiên chỉ được chúng ta tin vững và chỉ đem lại xác tín và sức mạnh để hành động khi chúng đi qua con kênh nhân loại, tức qua miệng con người. Do đó, mỗi lần phán dạy hoặc mạc khải một điều gì đó cho linh hồn, Thiên Chúa thường tạo cho họ xu hướng bày tỏ điều ấy cho một ai đó thích hợp. Linh hồn sẽ chỉ được hoàn toàn thỏa mãn khi nhận được sự tán thành từ một người đồng loại. Trong sách Thủ Lãnh (7,9¬11) ta thấy điều ấy đã xảy đến cho thủ lĩnh Ghítôn. Thiên Chúa nhiều lần nói rõ với ông rằng ông sẽ thắng quân Mandian nhưng ông vẫn cứ hoài nghi và nhát đảm. Thiên Chúa cứ để ông yếu nhược như thế cho tới khi ông nghe được qua miệng người phàm điều chính Thiên Chúa đã nói với ông. Thấy ông nhát đảm như thế, Thiên Chúa bảo ông: "Đứng lên! Đi xuống doanh trại, vì Ta sẽ trao nó vào tay ngươi... Ngươi sẽ nghe ngóng xem chúng nói gì; sau đó tay ngươi sẽ ra cứng rắn, và ngươi sẽ xuống đánh trại". Ông nghe một tên lính người Mađian kể cho một tên lính khác rằng hắn mơ thấy Ghítôn sẽ chiến thắng chúng. Ghítôn liền được tăng thêm sức mạnh và bắt đầu sẵn sàng xông trận thật hoan hỉ. Như vậy chúng ta thấy, Thiên Chúa không muốn Ghítôn vững dạ chỉ nhờ vào phương thức siêu nhiên thôi bởi lẽ ông chỉ an lòng một khi đã được củng cố bằng phương thức tự nhiên.

10 - Trường hợp ông Môsê cũng tương tự. Thiên Chúa truyền cho Môsê đi giải thoát con cái Israel với nhiều lý lẽ. Ngài còn xác nhận điều đó qua dấu chỉ cây gậy biến thành con rắn rồi bàn tay thành phong cùi. Thế nhưng Môsê vẫn nhát đảm và thấy tối tăm trước sứ mệnh ấy. Thiên Chúa đã nổi giận nhưng ông vẫn không thu được can đảm để vững dạ lên đường. Thế rồi Thiên Chúa đã trấn an ông qua người anh ông là Aharôn: Nào chẳng có Aharôn, anh ngươi, là người Lêvi đó sao? Ta biết: Nó ăn nói được lắm; hơn nữa, kìa nó ra đón ngươi, và khi thấy ngươi, lòng nó sẽ hoan hỷ. Ngươi sẽ nói với anh ngươi và đặt lời lẽ vào miệng nó. Chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và nơi miệng nó (Xh 4,14-15) để mỗi người các ngươi sẽ nhận được sự khích lệ qua miệng người kia.

11 - Nghe những lời ấy, Môsê thấy an tâm, hy vọng sẽ có được sự an ủi nhờ lời tư vấn của anh mình. Với tâm hồn khiêm nhường, ông không dám mạo muội một mình giao tiếp với Thiên Chúa đồng thời không thể an lòng khi không có sự hướng dẫn khuyên bảo của một người. Thiên Chúa cũng muốn thế. Ngài vẫn ở với những kẻ tụ họp nhau để tìm sự thật nhằm soi sáng và chứng thực sự thật ấy nơi họ, là sự thật dựa trên lý trí tự nhiên, như khi Môsê và Aharôn hiệp lại với nhau Ngài đã hứa sẽ thực hiện, sẽ nói qua cả miệng người này lẫn miệng người kia. Chính vì thế trong Tin Mừng Chúa nói: Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ (Mt 18,20). Ngài soi sáng và củng cố nơi lòng họ những sự thật thuộc về Thiên Chúa. Cần lưu ý rằng Chúa không bảo chỉ một người mà thôi là Ngài sẽ ở đó, nhưng phải ít là hai người. Ngài nói thế để giúp ta hiểu rằng Thiên Chúa muốn, trong những chuyện được cho là phát xuất tự Thiên Chúa, đừng ai chỉ tin cậy nơi chính mình, cũng đừng ai xác nhận hay quả quyết những chuyện ấy vượt ngoài quan điểm của Hội Thánh hay ý kiến các thừa tác viên của Hội Thánh. Chúa cho thấy Ngài sẽ không soi sáng và xác nhận sự thật trong tâm hồn kẻ nào hành động đơn lẻ. Một người như thế sẽ ở trong tình trạng yếu đuối và lạnh nhạt.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: