Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 22: Tại sao không được phép?

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? *

Giải thích tại sao dưới thời đại của Luật ân sủng, ta không được phép hỏi ý Thiên Chúa qua con đường siêu nhiên như người ta từng làm trong thời luật cũ. Minh chứng qua giáo huấn của thánh Phaolô.

1 - Nhiều vấn nạn chợt hiện đến khiến chúng tôi không thể tiến nhanh như lòng mong muốn. Bởi vì đã nêu ra thì cần phải làm sáng tỏ để sự thật của học thuyết này luôn sáng rõ và vững mạnh. Những vấn nạn này dù khiến chúng ta chậm bước một chút, nhưng có cái lợi là giúp cho học thuyết được sáng tỏ và được giải thích cặn kẽ hơn.

2 - Trong chương trước, chúng tôi đã nhấn mạnh Thiên Chúa không muốn cho các linh hồn khao khát dùng con đường siêu nhiên để nhận được các thị kiến và mạc khải về những chuyện cụ thể. Thế nhưng cũng trong chương đó, khi suy diễn điều ấy từ các điển chứng Kinh Thánh, ta thấy phương cách ấy đã từng được dùng để tiếp xúc với Thiên Chúa và được xem là hợp pháp. Hơn nữa, Thiên Chúa không những cho phép điều ấy mà còn truyền làm như vậy nữa, và khi người ta bỏ qua không làm thì Ngài đã khiển trách. Chẳng hạn Thiên Chúa đã quở mắng con cái Israel vì họ muốn qua Ai Cập mà không hỏi ý kiến Ngài trước. Thiên Chúa phán: "Các ngươi đã chẳng dò hỏi từ miệng Ta trước để biết điều gì là thích hợp" (Is 30,2). Trong sách Giôsuê chúng ta còn đọc thấy chuyện con cái Israel sau khi bị dân Gabaon phỉnh gạt, đã được Chúa Thánh Thần nhắc cho họ về lầm lỗi này như sau: "Chúng đã lãnh nhận lương thực của bọn đó và đã không dò hỏi từ miệng Thiên Chúa" (Gs 9,14). Chúng ta cũng thấy trong Kinh Thánh Môsê luôn hỏi ý Thiên Chúa. Vua Đavít và các vua khác của Israel đều làm thế khi có chiến tranh hoặc túng thiếu và kể cả các vị tư tế và ngôn sứ thời cổ cũng làm thế và Thiên Chúa đã trả lời họ mà chẳng hề giận dữ. Họ đã hành động đúng trong việc ấy đến nỗi nếu họ không làm thế tức họ đã làm sai. Quả thật như thế. Vậy tại sao, ngày nay, trong Luật mới của ân sủng, lại không như trước đây?

3 - Về điểm này, chúng ta phải trả lời rằng lý do chính khiến cho trong Luật Cũ người ta được phép dò hỏi Thiên Chúa và việc các ngôn sứ cũng như tư tế muốn có được các thị kiến và mạc khải của Thiên Chúa được xem là hợp pháp, chính là vì lúc bấy giờ đức tin chưa có nền tảng vững chắc và Luật Tin Mừng cũng chưa được công bố. Do đó người ta cần dò hỏi Thiên Chúa và Ngài cần trả lời họ khi thì bằng lời nói khi thì qua các thị kiến hoặc mạc khải, khi thì bằng hình ảnh hay ví dụ minh họa, khi thì qua các biểu thị khác. Tất cả những gì Thiên Chúa trả lời, nói, biểu lộ kỳ công hay mạc khải đều là những mầu nhiệm của đức tin và những chuyện liên can hoặc bồi đắp cho đức tin. Những sự thật đức tin không phát xuất tự loài người mà là từ miệng Thiên Chúa mạc khải. Vào thời ấy người ta cần phải dò hỏi chính lời từ miệng Thiên Chúa. Do đó Thiên Chúa đã khiển trách họ vì trong các vấn đề của họ, họ không chịu hỏi ý để Ngài nói rõ ý Ngài cho họ. Ngài dẫn dắt công việc và sự việc của họ đến với đức tin mà họ chưa hay biết vì nó chưa được thiết lập. Thế nhưng giờ đây đức tin đã được thiết lập nơi Đức Kitô và luật Tin Mừng đã được bày tỏ trong kỷ nguyên ân sủng này thì không còn lý do gì để thỉnh ý Thiên Chúa theo cách đó để xin Ngài phán dạy hoặc trả lời như xưa kia nữa. Bởi vì khi ban cho chúng ta Con Ngài — là lời duy nhất của Ngài 一 Thiên Chúa không còn lời nào khác. Thiên Chúa đã phán và mạc khải cho chúng ta mọi sự qua chỉ một lần nơi Lời duy nhất ấy và Ngài chẳng còn gì để nói thêm nữa.

4 - Và đó chính là ý nghĩa đoạn văn thánh Phaolô viết để thuyết phục dân Do Thái từ bỏ những lối thực hành trước kia, những lối giao tiếp với Thiên Chúa dưới thời Luật Môsê, và thay vào đó, hãy chăm chú nhìn vào mỗi một mình Chúa Kitô. "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta nơi Con của Ngài" (Hr 1,1-2). Qua đó thánh tông đồ cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa đã trở nên như thể câm lặng và không còn gì để nói nữa vì những gì trước đây Ngài đã nói từng phần qua các ngôn sứ thì Ngài đã nói hết toàn bộ trong một lần duy nhất qua việc ban cho chúng ta Đấng Toàn Thể tức Con của Ngài.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: