ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 18
NHỮNG VỊ LINH HƯỚNG BỊ LẦM LẠC * (tiếp theo)
5 - Giờ đây chúng tôi xin nói đôi điều về cung cách một số cha giải tội đối với các linh hồn và việc các ngài dạy dỗ họ chưa được tốt. Chắc hẳn tôi rất ước mong biết cách trình bày vấn đề này cho cặn kẽ, bởi vì thật khó giúp hiểu được rằng tinh thần người môn đệ thường được khuôn đúc theo tinh thần vị linh hướng của người ấy cách bí ẩn. Đây là chuyện quá tỉ mỉ khiến tôi thấy mỏi mệt bởi vì dường như không thể nói rõ điều này mà không đề cập điều kia bởi lẽ trong những chuyện thuộc tâm linh, các vấn đề thường liên quan với nhau.
6 - Tôi có thể xác quyết rằng nếu cha linh hướng thiên về các chuyện mạc khải và tỏ ra coi trọng chúng, thì cho dù ngài không nhận thấy, nhất định ngài sẽ trút cái sở thích ấy vào tâm trí người đệ tử ngoại trừ trường hợp người đệ thử này tiến xa hơn thầy. Mà cho dẫu người đệ tử tiến xa hơn thầy đi nữa, nếu vị thầy ấy vẫn tiếp tục hướng dẫn đệ tử, tâm thái của ông sẽ gây cho người này nhiều thiệt hại. Sự kiện cha linh hướng nghiêng về và thích các thị kiến sẽ làm nảy sinh nơi người thụ hướng một niềm quí chuộng nào đó đối với chúng và nếu ngài không hết sức dè chừng, thì thế nào cũng gây dấu ấn lên người mà ngài hướng dẫn. Nếu người này lại có một tâm trí cùng nghiêng chiều như thế thì, theo ý tôi, người này sẽ khiến người kia dính bén vào chuyện này hơn.
7 - Đây chưa phải là lúc luận bàn quá tỉ mỉ. Chúng tôi chỉ xin nói đến trường hợp vị giải tội không đủ cẩn trọng trong việc gỡ rối cho linh hồn. Dù vị này có thiên về chuyện các thị kiến ấy hoặc không, nhưng thay vì giúp môn đệ tước bỏ lòng mê thích các thị kiến ấy, lại đi luận bàn với họ về chúng, loay hoay nêu cho họ các dấu chỉ để nhận rõ những thị kiến tốt và những thị kiến xấu. Thế nhưng dù việc nhận biết các dấu chỉ ấy là điều tốt thì vẫn không nên đẩy họ vào chỗ phải vất vả, âu lo và bị nguy hiểm như thế. Bởi lẽ, chỉ cần coi nhẹ các thị kiến ấy, gạt bỏ chúng đi, là thoát được tất cả những điều trên và làm được điều cần phải làm. Mà không chỉ có thế; khi thấy các linh hồn ấy có được những tiếp xúc với Thiên Chúa như vậy, chính các vị ấy lại yêu cầu họ xin với Thiên Chúa tỏ cho hoặc nói cho họ chuyện nọ chuyện kia liên can đến họ hoặc đến người khác. Thế rồi các linh hồn khờ khạo ấy đã làm như thế vì cứ tưởng rằng thỉnh ý Thiên Chúa theo kiểu ấy là điều được phép. Sở dĩ thế là vì họ nghĩ rằng nếu Thiên Chúa đã muốn mạc khải hoặc bày tỏ với ta cách siêu nhiên một đôi điều như Ngài muốn và vì mục đích Ngài muốn, thì đương nhiên ta cũng có thể ao ước được Ngài mạc khải điều ấy cho ta, và ngay cả đến được phép xin Ngài tỏ cho điều ấy.
8 - Rồi nếu xảy ra là Thiên Chúa hạ cố cho lời xin đó thì càng khiến họ liều lĩnh nghĩ rằng Thiên Chúa thỏa thích với lời xin xỏ của họ vì Ngài đã đáp lại. Thực ra Thiên Chúa không thích cũng không muốn điều ấy. Nhiều lúc các vị linh hướng này hành động và tin theo những gì được mạc khải hay được đáp lời cho mình, bởi vì các vị đã quen xử sự với Thiên Chúa như thế. Các vị càng tự tin và lòng muốn càng nghiêng về đó cách tự nhiên. Các vị tự nhiên hài lòng về chúng và cũng tự nhiên thích nghi chúng theo cách hiểu của các vị. Thường thì các vị bị lầm rất nhiều và khi thấy các sự việc không xảy ra như dự tính các vị đâm ngạc nhiên và rồi đâm ra hoài nghi không biết có phải chúng do Thiên Chúa không bởi vì chúng chẳng xảy ra theo cách thức các vị ngóng đợi.
Thế là các vị tự giả định hai điều: thứ nhất, các mạc khải đến từ Thiên Chúa, vì ngay từ đầu các vị đã bám chặt vào chúng, sự xác tín này là do khuynh hướng tự nhiên thiên đã nghiêng về đó. Thứ hai, do phát xuất từ Thiên Chúa, các mạc khải ấy phải được thể hiện đúng theo các vị hiểu hoặc tưởng nghĩ.
9 - Tin tưởng như vậy quả là một sai lầm nghiêm trọng, bởi lẽ những điều mạc khải hay những lời của Thiên Chúa đâu phải luôn luôn được thực hiện như người ta hiểu hay như người ta mơ. Thế nên không được quá chắc chắn vào chúng, cũng chẳng nên tin chúng một cách mù quáng, dù biết rằng những mạc khải, những câu đáp hay những lời nói ấy là do Thiên Chúa. Dù tự chúng là chắc chắn và chân thực, chưa hẳn chúng đã luôn chắc chắn và chân thực như vậy từ trong nguyên nhân cũng như theo cách hiểu của chúng ta. Chúng tôi sẽ chứng minh điều này ở chương kế tiếp. Tiếp đó chúng tôi cũng sẽ chứng tỏ cho thấy, mặc dù đôi khi Thiên Chúa vẫn trả lời cách siêu nhiên cho những gì người ta hỏi Ngài nhưng Ngài không ưa thích chuyện ấy và đôi khi dù có trả lời đi nữa Ngài vẫn bực mình.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét