Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 19: Tại sao ta dễ bị gạt

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 19
TẠI SAO TA DỄ BỊ GẠT *

Giải thích và minh chứng tại sao, cả khi các thị kiến và lời nói ấy có tính chân thực và phát xuất từ Thiên Chúa, ta vẫn rất dễ bị chúng lừa gạt. Minh chứng bằng thẩm quyền của Kinh Thánh.

1 - Mặc dù các thị kiến và các lời của Thiên Chúa tự bản chất luôn chắc chắn và chân thực, nhưng đem đặt vào bối cảnh chúng ta thì không phải lúc nào cũng chắc chắn và chân thật. Thứ nhất là do cách hiểu của chúng ta về chúng còn khiếm khuyết. Thứ hai là do đôi khi các nguyên nhân của chúng thay đổi. Chúng tôi xin minh chứng cho cả hai lý do trên qua các dữ kiện Kinh Thánh.

Về lý do thứ nhất, rõ ràng là các thị kiến và lời Thiên Chúa không như chúng ta quan niệm và không phải lúc nào cũng xảy ra theo cách chúng ta hiểu. Nguyên nhân là vì Thiên Chúa vốn vô biên và sâu thẳm nên trong các lời ngôn sứ, lời nói và mạc khải của ngài, Thiên Chúa thường sử dụng những con đường khác, những nhận thức và cách hiểu biết rất khác với câu nói và cách thức chúng ta vẫn có thể hiểu theo một nghĩa chung. Chúng càng chân thực và chắc chắn thì dường như càng không phải thế đối với chúng ta. Điều này ta có thể gặp rất thường trong Kinh Thánh. Do đó, đối với nhiều người thời xưa, lắm sấm ngôn và lời của Thiên Chúa đã không được thể hiện như họ mong đợi bởi vì họ hiểu chúng theo cách của họ, tức theo một cách khác, sát mặt chữ. Ta có thể thấy rõ điều đó trong các bản văn có thẩm quyền sau đây:

2 - Trong sách Sáng thế, sau khi đưa ông Abraham đến đất Canaan, Thiên Chúa đã phán với ông: "Ta sẽ ban cho ngươi đất này" (St 15,7). Thiên Chúa cứ nhắc chuyện đó nhiều lần, còn Abraham thì đã rất cao niên mà Thiên Chúa vẫn chẳng ban cho ông điều ấy, nên khi Thiên Chúa phán thêm một lần nữa, Abraham liền đáp lại: "Lạy Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?" (St 15,8). Bấy giờ Thiên Chúa mới mạc khải cho Abraham rằng không phải bản thân ông mà là hậu duệ của ông, 400 năm sau sẽ chiếm hữu đất ấy. Thế là cuối cùng Abraham đã hiểu ra lời hứa ấy. Lời ấy rất chân thực bởi lẽ, khi Thiên Chúa ban đất ấy cho hậu duệ ông vì lòng Ngài yêu thương ông thì khác gì Ngài ban cho ông. Như thế Abraham đã lầm lẫn trong cách hiểu. Nếu lúc ấy Abraham đã hành động theo như cách ông hiểu thì ông đã lầm to, vì lời sấm ấy đâu phải cho thời điểm ấy. Còn những ai đã nghe rằng Thiên Chúa sẽ ban đất ấy cho ông Abraham, thấy ông qua đời mà không chiếm hữu được đất ấy, chắc hẳn sẽ bối rối và cho rằng lời sấm ấy là giả dối.

3 - Sự việc cháu ông Abraham là Giacóp khi được người con là Giuse lôi kéo sang Ai Cập vì nạn đói ở đất Canaan cũng thế. Trên đường đi, Thiên Chúa đã hiện ra với Giacóp và bảo: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai Cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Chính Ta sẽ xuống Ai Cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên. Giuse sẽ vuốt mắt cho ngươi" (St 46,3-4). Rồi điều này đâu xảy ra như cách hiểu của chúng ta bởi vì chúng ta biết rằng cụ già Giacóp đã chết nơi đất Ai Cập (St 49,32) và lúc sinh thời cụ đâu có ra khỏi đó. Điều ấy chỉ được thực hiện nơi hậu duệ của cụ Giacóp, mãi nhiều năm sau mới ra khỏi đó và chính Thiên Chúa là người dẫn đường cho họ. Chắc hẳn ai đã biết lời Thiên Chúa hứa với Giacóp như trên đều có thể tin rằng sau khi đích thân đến sống tại Aicập theo mệnh lệnh và hồng ân của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã hứa đưa cụ ra và hứa ủng hộ cụ, chắc chắn cụ Giacóp sẽ đích thân ra khỏi đó cùng một cách cũng như lúc đến vậy; và thế là người ấy đã hiểu sai và ngạc nhiên khi thấy Giacóp qua đời tại đất Ai Cập và sự việc đã không được thực hiện như người ấy mong đợi. Thành ra mặc dù lời nói của Thiên Chúa tự nó rất chân thực, người ta vẫn có thể có ngộ nhận lớn về lời ấy.

4 - Chúng ta cũng đọc thấy trong sách Thủ Lãnh chuyện tất cả các chi tộc Israel họp nhau giao chiến chống chi tộc Benjamin để trừng phạt một tội đại ác mà chi tộc này đã toa rập dung túng. Được Thiên Chúa chỉ định cho một chi tộc dẫn đầu, họ chắc mẩm là sẽ thắng trận, nhưng rồi bị đánh bại trận với số tổn thất 22 ngàn người (x. Tl 20,1-21). Họ sửng sốt và khóc lóc trước nhan Thiên Chúa suốt ngày, chẳng hiểu nguyên nhân tại sao bại trận. Khi họ hỏi Thiên Chúa có nên trở lại giao chiến không thì Thiên Chúa bảo họ hãy đi. Cầm chắc thắng trận, họ đã xuất quân một cách rất gan dạ và lần thứ hai này họ lại bị đánh tan với số thương vong 18 ngàn người (x. Tl 20,23-25). Họ bối rối cuống cuồng không hiểu tại sao mình bại trận khi chính Thiên Chúa truyền cho họ giao chiến, và đàng khác quân số của họ lại trội hơn đối phương, chi tộc Benjamin chỉ có 25 ngàn 600 lính đang khi họ có tới 400 ngàn (x. Tl 20,17). Thật ra họ đã lầm lẫn trong cách hiểu của họ chứ Thiên Chúa không hề lừa dối. Ngài không bảo rằng họ sẽ chiến thắng, mà chỉ bảo họ hãy chiến đấu. Qua những lần bại trận ấy Thiên Chúa muốn trừng phạt họ vì một sự xao lãng hoặc khinh thị nào đó, để làm cho họ được khiêm nhường. Còn lần cuối, khi trả lời cho họ, Ngài bảo họ sẽ chiến thắng thì họ đã thắng mặc dù khá vất vả và phải dùng nhiều mưu lược.

5 - Đó là một trong những cách các linh hồn thường lầm lẫn về những lời nói và mạc khải của Thiên Chúa bởi họ hiểu chúng cách thiển cận theo nghĩa đen. Vì, như tôi đã giải thích, mục tiêu chính của Thiên Chúa trong những chuyện ấy là nhằm nói lên và thông ban cái thần trí chứa đựng trong đó, là điều vốn khó hiểu. Cái thần trí ấy phong phú hơn văn tự nhiều, đồng thời lại vượt xa các giới hạn của văn tự. Thành thử kẻ nào cứ bám vào văn tự, vào câu nói, vào hình sắc và những hình ảnh có thể biết được nơi thị kiến, sẽ không tránh khỏi lầm lẫn nhiều và sau đó sẽ tự thấy xấu hổ và bối rối vì đã để cho mình bị dẫn dắt theo giác quan, không dành chỗ cho thần trí trong sự trơ trụi của giác quan. Như thánh Phaolô có nói: "Văn tự giết chết, thần trí mới làm cho sống" (2Cr 3,6). Như thế cần phải khước từ văn tự, mà trong trường hợp này chính là giác quan, và lưu lại trong tăm tối của đức tin, tức là thần trí, là thứ mà giác quan không thể thấu hiểu được.

6 - Nhiều người dân Israel đã hiểu các lời nói và sấm ngôn của các ngôn sứ theo nghĩa đen, không thấy thành hiện thực như họ đã hy vọng, cho nên đâm ra xem nhẹ và chẳng thèm tin, đến nỗi cứ lặp lại một câu ngạn ngữ chế nhạo các ngôn sứ. Isaia đã than phiền như sau: "Liệu nó dạy được ai, giải thích được cho ai am hiểu? Có chăng là cho trẻ thơ cai sữa vừa thôi bú! Thôi thì: “Xáp la-xáp, xáp la-xáp, cáp la- cáp, cáp la-cáp, dơ-e sam, dơ-e sam!”" Phải, Người sẽ dùng môi miệng cà lăm và tiếng nói xa lạ mà nói với dân này (Is 28,9-11). Câu ngạn ngữ ấy dịch ra là: "Cứ hứa và hứa nữa đi, cứ chờ và chờ thêm nữa ở đây một chút, ở kia một chút". Ở đây rõ ràng là Isaia cho chúng ta hiểu rằng đám dân ấy đã nhạo báng các lời ngôn sứ và chế diễu bằng lời ngạn ngữ: "Cứ chờ và chờ thêm nữa đi". Isaia cho chúng ta hiểu rằng các sấm ngôn ấy chẳng bao giờ được thực hiện bởi họ đã bám vào văn tự, tức sữa của con nít, và bám vào giác quan, tức núm vú mẹ, là những thứ đi ngược với sự cao cả của ơn minh triết nơi thần trí. Vì điều này mà ngôn sứ Isaia đã nói: "Ngài sẽ dạy sự khôn ngoan của các lời ngôn sứ Ngài? Và Ngài sẽ làm cho ai hiểu được giáo lý của Ngài nếu chẳng phải là những kẻ đã xa lìa thứ “sữa” văn tự và các “núm vú” giác quan của họ?" Thảo nào họ chỉ hiểu lời các ngôn sứ theo thứ sữa của lớp vỏ, của từ ngữ và của các núm vú giác quan của họ, họ cứ lải nhải: "Hãy cứ hứa và hứa nữa đi, hãy chờ và chờ thêm nữa đi" vv... Bởi vì Thiên Chúa phải nói với họ bằng giáo lý từ miệng Ngài chứ không theo giáo lý của họ và bằng thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ họ dùng.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: