ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 19
TẠI SAO TA DỄ BỊ GẠT * (tiếp theo)
7 - Do đó, chẳng nên lưu tâm đến giác quan cũng như ngôn ngữ của chúng ta, bởi chúng ta biết rằng ngôn ngữ của Thiên Chúa thì khác; nó thuộc về thần trí và rất khác với cách hiểu chúng ta đồng thời lại rất khó. Và khó đến nỗi chính Giêrêmia, mặc dù là ngôn sứ của Thiên Chúa, khi thấy các ý tưởng và lời Thiên Chúa quá khác biệt với lý trí thông thường của loài người, dường như ông đã hoảng loạn và muốn biện hộ cho dân chúng, ông nói: "Ôi, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, quả thật Ngài đã gạt gẫm dân này và Giêrusalem. Ngài từng nói: 'Các ngươi sẽ được bình an', thế mà gươm lại đã thọc vào cổ!" (Gr 4,10). Thứ bình an Thiên Chúa hứa thực hiện là thứ an bình giữa Thiên Chúa và loài người qua trung gian Đấng Mêsia mà Ngài sẽ sai đến cho họ, thế mà họ lại hiểu về thứ bình an tạm bợ. Thế nên khi chiến tranh và lao nhọc xảy đến cho họ thì có vẻ như Thiên Chúa đã lừa gạt họ bởi vì mọi thứ xảy ra đều ngược với những gì họ mong đợi. Và cũng theo lời ngôn sứ Giêrêmia, họ đã thốt lên: "Người ta đợi hòa bình, nhưng chẳng được may lành chi hết!" (8,15). Thực là họ không thể không lầm lẫn một khi cứ dẫn dắt mình sát theo mặt chữ.
Vì nếu bám sát mặt chữ thì ai mà chẳng bối rối và sai lầm trước lời tiên tri của Đavít về Đức Kitô trong suốt thánh vịnh 71? Cách riêng ở chỗ Đavít nói: "Ngài làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất" (câu 8 ). Và ở câu: "Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương" (Tv 71,12). Thế mà rồi lại chỉ thấy Thiên Chúa sinh ra quá thấp hèn, sống một cuộc đời nghèo nàn, và chết trong khốn khổ đến nỗi chẳng những không thống trị quả đất nhất thời trong lúc bình sinh mà Ngài lại còn phục tùng nhiều kẻ bé mọn cho tới khi phải chết dưới quyền của Phongxiô Philatô? Chẳng những Ngài không nhất thời giải thoát các môn đệ đáng thương của Ngài khỏi tay quyền thế trần gian mà còn để họ bị chúng bách hại và tàn sát vì danh Ngài?
8 - Chính các lời tiên tri ấy lẽ ra phải được hiểu theo nghĩa tâm linh để chỉ về Chúa Kitô, và theo nghĩa ấy chúng sẽ hết sức chân thực. Vì Chúa Kitô là Chủ Tể không những toàn cõi đất mà cả cõi trời bởi lẽ Ngài là Thiên Chúa. Còn những người nghèo khó đi theo Ngài chẳng những được chuộc lại và được giải thoát khỏi quỷ ma, là thứ quyền lực mà họ chẳng trông nhờ được ai cứu giúp để chống lại, mà hơn nữa, họ còn được Ngài làm cho trở nên những kẻ thừa kế Nước Trời. Như thế khi nói về Chúa Kitô và những kẻ theo Ngài, Thiên Chúa đã nói theo nghĩa chính yếu, nói về vương quốc vĩnh cửu và tự do vĩnh hằng. Đang khi đó người ta lại theo cách trần tục để hiểu về những thứ không chính yếu, như về quyền làm chủ ở đời và tự do trần thế, những thứ này Thiên Chúa ít quan tâm và trước nhan Ngài chúng cũng chẳng phải là vương quốc hay tự do gì cả. Do đó, vì họ bị mù tối do sự thấp kém của văn tự cũng như vì không hiểu được thần trí và sự thật hàm chứa trong đó, họ đã sát hại Thiên Chúa và là Chúa của họ theo như cách nói của thánh Phaolô: Dân cư thành Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giêsu; khi kết án Ngài, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày Sabát (Cv13,27).
9 - Việc hiểu đúng đắn lời Thiên Chúa thật khó, đến nỗi ngay cả các môn đệ Đức Kitô vốn từng chung sống với Ngài, thế mà vẫn lầm lẫn về lời Ngài. Chẳng hạn như sau khi Chúa chịu tử nạn, có hai người lên đường về Emmau, lòng buồn rầu và thất vọng. Họ nói: "Chúng tôi cứ hy vọng là Ngài sẽ giải thoát Israel" (Lc 24,21) bởi lòng họ cứ hiểu ơn cứu độ và quyền cai trị của Ngài theo cách trần thế nhưng Đức Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta đã hiện ra cho họ và khiển trách họ khờ dại, chậm trí và cứng lòng tin đối với những điều các ngôn sứ đã tiên báo (x. Lc 24,25). Thậm chí ngay cả khi Chúa về trời, một số người vẫn còn ngớ ngẩn hỏi Ngài: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục lại vương quốc Israel chăng?" (Cv 1,6)...
Chúa Thánh Thần còn khiến nhiều điều được nói lên với một ý nghĩa khác hẳn điều người ta muốn hiểu. Chẳng hạn việc Ngài khiến Caipha nói về Chúa Kitô rằng: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,50) - Caipha đã không tự mình nói ra lời ấy; ông đã nói và hiểu lời ấy theo một mục đích, đang khi Chúa Thánh Thần lại nhắm đến mục đích khác.
10 - Do đó cho dù các lời nói và các mạc khải phát xuất từ Thiên Chúa, ta vẫn không thể tin chắc vào chúng bởi chúng ta có thể lầm lẫn nhiều và rất dễ theo cách hiểu của chúng ta về chúng. Ý nghĩa tâm linh của tất cả những điều ấy đều có thể là vực thẳm và rất sâu. Nếu ta muốn khoanh vùng vào phạm vi ta có thể hiểu về chúng cũng như vào giới hạn mà các giác quan của ta có thể nhận thức thì khác nào ta muốn xòe tay nắm bắt khí trời! Khí trời sẽ vuột mất, còn lại bàn tay trống không.
11 - Chính vì thế, vị linh hướng cần phải ngăn cản đệ tử mình để họ đừng hạ thấp tâm linh xuống chỗ coi trọng những nhận thức siêu nhiên. Dù ra sao đi nữa, chúng chỉ là những bụi bặm không đáng kể. Khi chiếm hữu chúng, người ta chỉ chiếm được những ơn lành cực nhỏ, không mảy may giá trị về mặt tâm linh. Vị linh hướng cần phân cách người đệ tử khỏi mọi thị kiến và mọi lời nói siêu nhiên, đồng thời dạy họ biết lưu lại trong tự do và trong tăm tối của đức tin, vì đó là nơi Thiên Chúa sẽ tuôn đổ cho họ sự tự do tâm linh và ân sủng dồi dào, nhờ đó, họ sẽ được ơn khôn ngoan để hiểu được đúng đắn những lời của Thiên Chúa.
Nếu chẳng phải là người tâm linh, người ta không thể nào xét định những vấn đề thuộc về Thiên Chúa cũng không thể hiểu được chúng cho đúng đắn. Bao lâu còn xét đoán theo giác quan, họ chưa phải là người tâm linh. Vì thế, dù những lời ấy đến dưới lớp áo giác quan họ vẫn không hiểu được chúng. Quả đúng như lời thánh Phaolô nói: "Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự" (1Cr 2,14-15). "Con người sống theo tính tự nhiên" ở đây được hiểu về những người chỉ để cho giác quan dẫn dắt mình, còn "người sống theo Thần Khí" là những người không để cho giác quan dẫn dắt. Do đó thật là liều lĩnh khi dám giao tiếp với Thiên Chúa qua con đường những nhận thức siêu nhiên nhờ giác quan, hoặc cho phép kẻ khác làm như thế.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét