Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 12: Các nhận thức tưởng tượng tự nhiên không thể giúp nên một với Thiên Chúa

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 12
CÁC NHẬN THỨC TƯỞNG TƯỢNG TỰ NHIÊN
KHÔNG THỂ GIÚP NÊN MỘT VỚI THIÊN CHÚA *

Bàn về những nhận thức tưởng tượng tự nhiên. nói về bản chất của chúng và chứng minh rằng chúng không thế là phương thế xứng hợp dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa, và nếu người ta không lột bỏ chúng thì sẽ gặp thiệt hại ra sao.

1 - Trước khi bàn về những thị kiến hoang tưởng vốn thường được phô bày cách siêu nhiên cho giác quan bên trong, là khả năng tưởng tượng và hoang tưởng, để cho mạch lạc, xin bàn ngay đến những nhận thức tự nhiên của giác quan thể chất bên trong ấy. Rồi cứ thế mà đi, từ cái kém tới cái hơn, từ những điều nặng phần bên ngoài tới những điều nặng phần bên trong hơn, tiến tới tình trạng lắng đọng sâu xa, trong đó linh hồn được nên một với Thiên Chúa. Đó là thứ tự chúng tôi vẫn giữ từ trước tới giờ. Thật vậy, trước hết, trong cuốn thứ nhất bàn về đêm giác quan, chúng tôi đã nói về việc lột bỏ cho các giác quan bên ngoài khỏi bị ràng buộc do những nhận thức tự nhiên về ngoại vật, cũng như do sức mạnh tự nhiên của các mê thích. Chúng tôi cũng đã khởi sự lột bỏ cho các giác quan ấy khỏi bị sa lầy vào những nhận thức bên ngoài có tính cách siêu nhiên, vẫn thường xảy ra cho các giác quan bên ngoài (như chúng tôi đã làm ở chương trước), để dẫn linh hồn vào đêm tối tâm linh.

2 - Trong cuốn thứ hai này, điều đầu tiên phải xét đến là giác quan thể chất bên trong, tức là tưởng tượng và hoang tưởng. Chúng ta cũng phải giúp chúng trút sạch mọi mô hình và nhận thức tưởng tượng có thể lọt vào đó cách tự nhiên. Chúng ta cũng phải chứng minh được rằng bao lâu linh hồn chưa chấm dứt việc chạy theo những hiểu biết ấy, thì không thể nào đạt tới nên một với Thiên Chúa, bởi lẽ những hiểu biết ấy không thể nào là phương thế xứng hợp và gần gũi cho sự nên một ấy.

3 - Cũng nên biết rằng những giác quan chúng tôi đặc biệt nói tới đây là hai giác quan thể chất bên trong, gọi là tưởng tượng và hoang tưởng, chúng liên đới với nhau và yểm trợ lẫn nhau. Một giác quan diễn tả vẽ vời bằng đủ thứ hình ảnh, một giác quan tạo ra hình ảnh và những cái được biểu thị bằng hình ảnh. Trong câu chuyện đang bàn đây, chúng tôi nói về cả hai thứ như nhau. Do đó, khi không thấy nêu rõ tên thứ nào cách đặc biệt, thì xin nhớ rằng điều chúng tôi nói cho giác quan này cũng hiểu về giác quan kia, xin nhớ rằng chúng tôi nói về cả hai không phân biệt.

Hiểu như thế, tất cả những gì các giác quan ấy có thể tiếp nhận hoặc sáng chế ra đều được gọi là tưởng tượng hoặc hoang tưởng. Đó là những mô hình được phô bày cho các giác quan ấy, có hình ảnh, có dáng dấp thể chất hẳn hoi. Những mô hình ấy có thể chia làm hai loại. Một loại có tính siêu nhiên, không cần phải có giác quan giúp đỡ mới biểu lộ được, chúng tự biểu lộ trong giác quan bất chấp người ta muốn hay không. Chúng tôi gọi đó là những thị kiến tưởng tượng mà về sau chúng tôi sẽ nói rõ hơn. Còn những mô hình khác thuộc tự nhiên, là những điều các giác quan ấy có thể dùng hoạt động của mình mà sáng chế ra được thành những mô hình, dáng dấp, hình ảnh …và như thế cả hai giác quan này hữu ích cho việc suy niệm, là một động tác phô diễn tư tưởng bằng những hình ảnh, mô hình và dáng dấp do các giác quan ấy sáng chế ra và hình dung ra. Chẳng hạn, hình dung thấy Đức Kitô chịu đóng đinh hoặc bị trói vào cột hoặc ở một tình huống nào khác. Hoặc hình dung thấy Thiên Chúa uy nghi cao cả ngự trên ngai. Hoặc nghiền ngẫm và tưởng tượng ra vinh quang như một luồng sáng rất diễm lệ... hay là nhiều điều khác tương tự, hoặc về Thiên Chúa hoặc về người phàm, mà trí tưởng tượng có thể hình dung ra được. Nếu linh hồn muốn đạt đến chỗ nên một với Thiên Chúa, thì phải đi đến chỗ trút bỏ hết những tưởng tượng ấy, kể như mình chìm trong tăm tối về mặt giác quan ấy. Bởi lẽ, những tưởng tượng ấy không thể có một chút tương xứng nào để làm phương thế trực tiếp dẫn đến Thiên Chúa, chúng cũng chẳng hơn gì những cảm nhận theo thể chất của năm giác quan bên ngoài.

4 - Lý do là vì, trí tưởng tượng không thể sáng chế hoặc vẽ vời ra được điều gì ngoài những điều nó đã kinh nghiệm được nhờ các giác quan bên ngoài, do mắt thấy, tai nghe... Nhiều lắm là nó có thể cấu tạo nên những điều tương tự những gì nó đã thấy, đã nghe, đã cảm... mà nhất định là không thể tốt đẹp hơn và cũng không thể tốt đẹp bằng những gì nó đã lãnh nhận được qua các giác quan này. Chẳng hạn, nó có thể vẽ ra nhiều lâu đài bằng châu ngọc hoặc những ngọn núi bằng vàng vì nó đã có thấy một ít vàng và một số ngọc, dù nó có tưởng tượng ra nhiều và sắp xếp thật công phu, nhưng thật ra tất cả công trình ấy vẫn kém xa một chút vàng hoặc một viên ngọc. Và như đã nói, mọi vật thụ tạo đều không thể có một chút tương xứng nào với hữu thể Thiên Chúa, cho nên tất cả những gì được tưởng tượng dựa theo các thụ tạo ấy đều không thể nào dùng làm phương thế trực tiếp dẫn đến nên một với Thiên Chúa, ngược lại, như đã nói, chúng còn gây cản trở cho sự nên một ấy.

5 - Cho nên, những ai hình dung Thiên Chúa dưới những hình ảnh như là: Một đám lửa lớn, một luồng sáng hoặc bất cứ mô hình nào khác v. v... và nghĩ rằng trong những thứ ấy có một chút gì đó giống với Ngài, thì càng thêm vuột xa Ngài. Những người mới khởi đầu hẳn cần đến những suy xét ấy, những mô hình và những phương cách suy niệm ấy để dần dần hun nóng tình yêu và nuôi dưỡng linh hồn bằng cảm giác, như chúng tôi sẽ nói ở phần sau. Như thế họ sử dụng những điều ấy như những phương thế dọn đường đưa đến sự nên một với Thiên Chúa. Các linh hồn ấy thường phải đi qua lối đó để đạt tới tiêu điểm và trạm nghỉ tâm linh. Tuy nhiên, phải vượt qua chứ không được dừng luôn ở đó. Nếu không, họ sẽ không bao giờ đạt đến cùng đích, cái đích điểm không giống với những phương thế dọn đường và không hòa đồng gì với chúng. Tựa như các bậc thang đâu có hòa đồng được với cao điểm người ta leo tới. Chúng chỉ là những phương thế để đạt tới cao điểm ấy. Người nào lên thang mà không chịu bỏ các bậc lại sau, cho tới khi không còn bậc nào nữa, nếu họ muốn dừng lại ở bất cứ bậc nào trong những bậc ấy, thì sẽ không bao giờ đạt đích, không bao giờ đạt tới chỗ nghỉ ngơi yên lành và êm ái.

Cũng vậy, linh hồn nào mà ngay ở đời này đã muốn vươn tới chỗ nên một với Đấng là sự nghỉ ngơi tối thượng và là sự thiện tối thượng, cần phải vượt hết mọi cấp độ suy nghiệm, mọi mô hình, mọi ghi nhận, phải vượt qua và đẩy lùi chúng bởi vì chúng không giống chút nào và cũng không tương xứng chút nào với cùng đích mà chúng đưa đến, là Thiên Chúa. Vì thế, trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Phaolô đã nói: "Chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như vàng, bạc hay đá, do nghệ thuật và suy tưởng con người tạo ra" (Cv 17,29).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: