QUYỂN 2
CHƯƠNG 14
CẦN CÓ ĐỦ BA DẤU HIỆU*
Chương này minh chứng sự thích đáng của ba dấu hiệu và giải thích tại sao cần phải có đủ ba dấu hiệu ấy mới tiến bước.
1 - Chúng ta trở lại dấu hiệu thứ nhất trên đây. Để bước vào đường tâm linh tức là bậc chiêm niệm, người sống theo tâm linh cần phải bỏ phương pháp tưởng tượng của suy niệm theo giác quan kể từ khi thấy chán ngán không còn suy luận được nữa. Sự kiện chán ngán không còn suy luận được như thế có hai lý do mà thật ra chỉ là một. Lý do thứ nhất là vì, qua con đường nguyện gẫm và suy lý, một cách nào đó linh hồn đã nhận được tất cả điều tốt về mặt tâm linh cần tìm nơi các sự thật về Thiên Chúa. Một đàng, linh hồn không còn thể nào nguyện gẫm và suy lý được như trước, và không còn thấy thích thú ngọt ngào gì ở đó như trước nữa, đàng khác, cho tới lúc ấy, linh hồn chưa đạt tới tình trạng tâm linh đang dọn sẵn cho nó, cho nên nó chán ngán. Thật vậy, theo lẽ thường mỗi khi linh hồn tiếp nhận một ơn lành tâm linh, thì ít là về mặt tâm linh nó phải thấy hài lòng về cái phương thế đem lại ơn lành ấy. Nếu không, thật khó hiểu được làm sao ơn lành ấy có thể sinh ích lợi cho nó, hoặc làm sao nó có thể tìm được nơi ơn lành ấy sự nâng đỡ và ý vị mà nó đã không nếm được khi tiếp nhận ơn ấy? Bởi vì các triết gia có nói: "Có ngon mới bổ". Ông Gióp cũng có nói: "Làm sao ăn được thức ăn nhạt thếch, chẳng ướp muối" (G 6,6). Đó là nguyên nhân khiến linh hồn không còn có thể nguyện gẫm và suy lý như trước: Tâm linh không còn thấy nó dịu ngọt và ích lợi bao nhiêu.
2 - Lý do thứ hai là vì, đến giai đoạn này, về cơ bản, linh hồn đã có được ơn nguyện gẫm như một thói quen. Mục đích việc nguyện gẫm và suy lý về những điều thuộc về Thiên Chúa, chính là để được thêm hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Mỗi lần linh hồn nhờ nguyện gẫm mà gặt hái được sự hiểu biết và yêu mến ấy, là nó đã làm xong được một tác động. Rồi cũng như trong các lãnh vực khác, tác động nào được lặp đi lặp lại nhiều thì sau cùng sẽ gây nên một thói quen. Việc lặp lại tác động hiểu biết và yêu mến này cũng sẽ dần dần tạo thành nếp, đưa linh hồn tới một thói quen. Về phía Thiên Chúa, Ngài cũng thường gây nên kết quả ấy nơi nhiều linh hồn mà không qua các động tác ấy (hoặc ít ra là không cần chuẩn bị nhiều), nhưng ngay lập tức đã đưa họ vào chiêm niệm. Điều trước đây thỉnh thoảng linh hồn mới gặt hái được nhờ vất vả suy gẫm những sự thật riêng rẽ, thì từ nay được thực hiện nhờ nếp quen. Nó trở nên một nhận thức đã được lập thành như một thói quen, tự bản chất là một nhận thức chung chung đầy yêu mến, không còn tách biệt và riêng rẽ như trước nữa. Nhờ đó, mỗi lần bắt đầu cầu nguyện, linh hồn như thể người đã có sẵn nước trong tay, sẽ uống ngay cách ngon lành khoan khoái, không phải vất vả gì, không phải nhọc công quay kéo lấy nước, tức là không cần đến những suy xét, hình sắc hay hình ảnh như trước nữa. Có thể nói, vừa đặt mình trước nhan Thiên Chúa, linh hồn đã có được ngay tác động nhận thức đầy yêu mến, bình an và thư thái, ở đó nó uống được sự khôn ngoan, mến yêu và dịu ngọt.
3 - Đó là nguyên nhân khiến giờ đây linh hồn hết sức khổ sở và chán ngán, vì nó đã được yên nghỉ như thế rồi mà lại bắt nó phải suy gẫm và vất vả với những ghi nhận riêng rẽ. Chẳng khác nào tình cảnh một em bé, đang bú ngon lành sữa mẹ đã tụ sẵn ở đầu vú, lại bị buộc phải nhả ra để quay lại với việc nắn bóp, vắt ép, làm tích tụ sữa. Cũng chẳng khác nào kẻ đã lột vỏ một trái cây và đang hưởng nếm chất ngọt mà lại bị buộc phải buông ra để tìm cách lột cái vỏ đã bị lột mất rồi; chẳng những không còn tìm thấy vỏ mà còn phải bỏ mất việc hưởng nếm cái ngon ngọt đã có trong tay. Đúng là bỏ mồi bắt bóng.
4 - Rất nhiều người mới bước vào bậc này đã phản ứng như thế. Họ tưởng rằng trọng tâm của vấn đề là phải tập trung vào chỗ suy lý và hiểu được những điều riêng lẻ nhờ những hình ảnh và mô hình, mà thật ra đó chỉ là lớp vỏ của thực tại tâm linh. Vì không tìm được những điều ấy trong sự an tĩnh cốt yếu và đầy yêu thương này (nơi linh hồn rất muốn ở lại nhưng lại không hiểu được cho rõ), họ nghĩ mình đang bị hỏng mất và đang mất thời giờ. Thế là họ quay lại tìm cái vỏ của những hình ảnh và suy lý, nhưng chúng đâu còn đó nữa mà tìm! Không nếm hưởng được điều cốt yếu mà cũng không tìm lại được việc nguyện gẫm, họ đâm ra bối rối, tưởng mình đã thụt lùi và đang bị mất mát. Đúng ra là họ có bị mất mát thật, nhưng không như họ tưởng. Họ bị mất mát về phía các giác quan và về cách thế sơ khởi của họ trong việc cảm nghiệm; nhưng chính nhờ vậy mà họ lợi được hoa quả tâm linh đang được trút xuống cho họ. Qua đó, họ càng hiểu được ít, thì càng đi sâu vào đêm tối tâm linh mà chúng tôi đang bàn đến trong sách này và là đêm họ phải vượt qua để nên một với Thiên Chúa, vượt trên hết mọi nhận thức.
5 - Về dấu hiệu thứ hai, không cần phải nói nhiều. Đến lúc này, linh hồn không thể nào hài lòng với những hình ảnh mang tính thế gian. Như đã nói trên, ngay cả những hình ảnh phù hợp với nó hơn, tức là những hình ảnh về Thiên Chúa, linh hồn còn không nếm cảm được nữa huống chi là những hình ảnh phàm tục. Như đã nói trên, giữa lúc đang lắng đọng như thế, trí tưởng tượng vẫn thường bay nhảy biến thiên, tuy nhiên linh hồn không thấy thích thú hay ham muốn gì, ngược lại chỉ thấy khổ sở, vì sự bình an thư thái và dịu ngọt của nó bị xáo trộn.
6 - Dấu hiệu thứ ba thích hợp và cần có để có thể rời bỏ việc nguyện gẫm suy lý mà tiến vào chiêm niệm an tĩnh, là sự nhận thức chung chung đầy yêu mến tập trung vào Thiên Chúa. về dấu hiệu này tưởng cũng không cần nhấn mạnh ở đây, bởi vì chúng tôi đã có giúp bạn đọc hiểu được phần nào khi bàn về dấu hiệu thứ nhất, và sau này khi đã trình bày xong hẳn về các nhận thức cụ thể của trí hiểu, chúng tôi cũng sẽ còn phải bàn thêm, ở chỗ nói về nhận thức chung chung và mờ mịt về Thiên Chúa. Tạm thời, chúng tôi chỉ nêu một lý do cho thấy rõ vì sao khi muốn rời bỏ bậc nguyện gẫm suy lý, người chiêm niệm cần phải có sự nhận thức chung chung đầy yêu mến tập trung vào Thiên Chúa. Chính là vì nếu lúc ấy linh hồn không có được sự hiểu biết và ở với Thiên Chúa như thế, nó sẽ không làm gì cả và không có được gì cả. Thật vậy, vừa bỏ mất sự nguyện gẫm là phương cách giúp linh hồn suy lý bằng các quan năng cảm giác, vừa không có được sự chiêm niệm, tức là sự nhận thức chung chung nói trên, là chỗ cho các quan năng tâm linh hoạt động (gồm có dạ nhớ, trí hiểu và lòng muốn, được liên kết trong sự hiểu biết mà Chúa dọn sẵn và trao ban qua ba quan năng này), thì nhất định linh hồn sẽ bị cắt đứt mọi việc thao luyện hướng đến Thiên Chúa. Bởi lẽ linh hồn chỉ có thể hành động, tiếp nhận và kiên trì trong hoạt động của nó nhờ qua các quan năng cảm giác và tâm linh. Như đã nói, phải qua các quan năng cảm giác, linh hồn mới có thể suy luận, tìm kiếm và vận dụng những nhận thức về điều này điều nọ. Qua các quan năng tâm linh, linh hồn có thể vui hưởng những hiểu biết đã nhận được nơi các quan năng này mà không cần bắt các quan năng này phải vất vả.
7 - Sự khác biệt giữa việc vận dụng hai loại quan năng chẳng khác nào sự khác biệt giữa lúc làm việc và lúc vui thỏa vì công việc đã xong, khác biệt giữa cảnh đường mệt nhọc và cảnh nghỉ ngơi nhàn nhã khi đã đến nơi, hoặc giữa việc nấu ăn và việc nếm những thức ăn đã dọn ra và nghiền sẵn hay là giữa việc góp nhặt và việc tận dụng những gì đã góp nhặt được.
Nếu linh hồn chẳng động chạm gì đến các quan năng cảm giác, tức là nguyện gẫm và suy lý, cũng chẳng dính líu gì đến điều đã được tiếp nhận và thực hiện nơi cái quan năng tâm linh, tức là sự chiêm niệm và nhận thức chung chung đã nói trên, cứ vô công rỗi nghề với cả hai loại quan năng ấy, thì làm sao có thể nói linh hồn đang bận bịu? Bận bịu thế nào được? Cho nên cần kíp linh hồn phải có được sự nhận thức chung chung kia đã rồi mới được rời bỏ con đường nguyện gẫm và suy lý.
8 - Nên biết rằng sự nhận thức chung chung chúng tôi nói đây, lắm khi rất tinh vi tế nhị, nhất là khi nó thật tinh ròng, đơn giản và hoàn hảo, nặng tính tâm linh và nội tâm hơn, đến nỗi dù linh hồn có tập trung chú ý vẫn không thấy, không cảm được nó. Nơi một linh hồn tinh tuyền, không bị chi phối vì những ý tưởng và khái niệm cụ thể mà các giác quan và trí hiểu dễ nhận biết, thì nhận thức ấy càng khó được nhận biết. Trước đây nhờ những đối tượng quen thuộc với trí hiểu và các giác quan thì linh hồn nhận biết được, giờ đây không còn những đối tượng khả giác quen thuộc ấy nữa thì linh hồn không sao có được những hiểu biết nói trên. Đó là lý do khiến cho nhận thức chung chung ấy càng tinh ròng, hoàn hảo và đơn giản, thì càng có vẻ tối tăm đối với trí hiểu hơn và trí hiểu càng không cảm nhận được nó. Trái lại, nó càng kém tinh ròng và kém giản dị khi lọt vào trí hiểu, lại càng sáng rõ và dễ được trí hiểu nắm bắt hơn, bởi lẽ lúc ấy nó được khoác áo, được pha trộn, được biến đổi thành một số mô hình dễ hiểu nào đó giúp trí hiểu và giác quan có thể nắm bắt được.
9 - Ta có thể hiểu rõ điểm ấy hơn qua sự so sánh sau đây. Nhìn một tia nắng lọt qua khe cửa, ta thấy tia sáng ấy càng gặp phải nhiều bụi bặm thì lại càng có vẻ như đang chạm tới được và cảm giác được; càng nổi rõ hơn đối với thị giác. Tuy nhiên ta cũng thấy rõ là lúc đó bản thân tia sáng ấy bị kém tinh ròng, kém trong sáng, kém giản dị và kém hoàn hảo bởi vì chứa đầy bụi bặm. Đồng thời ta cũng thấy rằng tia sáng ấy càng sạch bụi bặm lại càng khó cảm thấy, và có vẻ như càng tăm tối đối với cặp mắt trần của ta. Nó càng trong suốt, càng có vẻ tăm tối và khó nắm bắt được. Nếu tia sáng ấy hoàn toàn tinh ròng, tuyệt không có một hạt bụi nhỏ xíu nào, thì lúc đó đối với mắt ta nó sẽ có vẻ hoàn toàn tăm tối và không thể nhận ra được, bởi vì thiếu hẳn các vật thể hữu hình làm đối tượng cho thị giác. Nghĩa là, mắt không tìm gặp vật gì để quan sát, bởi vì ánh sáng không phải là đối tượng của thị giác cách tầm thường nhưng là phương tiện giúp thị giác thấy được những vật hữu hình. Nếu không có những vật hữu hình phản chiếu ánh sáng, ta sẽ chẳng thấy gì cả. Vì thế, nếu một tia sáng vào bằng cửa này rồi ra bằng cửa khác, mà không gặp một vật thể nào, người ta sẽ không thấy gì hết. Hiểu như thế, tia sáng càng tinh ròng và trong suốt thì khi chứa đầy những vật hữu hình, lại càng được thấy rõ và được cảm nghiệm rõ hơn.
10 - Ánh sáng tâm linh đối với trí hiểu cũng vậy. Trí hiểu chẳng khác nào thị giác của linh hồn. Nhận thức chung chung và ánh sáng siêu nhiên đang nói đây, ùa vào thật tinh ròng và đơn giản, trần trụi và xa hẳn mọi mô hình khả tri có thể làm đối tượng cho trí hiểu, cho nên trí hiểu không cảm và không thấy được. Trái lại, lắm khi nó còn gây tăm tối cho trí hiểu (nhất là khi nó thật tinh ròng), vì nó cách ly trí hiểu khỏi những ánh sáng quen thuộc, tức là những mô hình và tưởng tượng, khiến cho trí hiểu thấy mình chìm trong tăm tối. Nhưng có khi ánh sáng thần linh ấy không xâm chiếm linh hồn cách quyết liệt như vậy. Bấy giờ linh hồn không cảm thấy tăm tối cũng không thấy được ánh sáng mà cũng không hiểu được gì về những điều đã nhận biết đây đó, lắm khi linh hồn như chìm vào trong một sự quên lãng sâu thẳm, đến nỗi chẳng biết mình đã ở đâu và đã làm gì, thời gian có vẻ như ngừng lại. Cho nên có thể xảy ra là linh hồn chìm vào quên lãng như thế suốt nhiều giờ và khi sực nhớ lại thì tưởng đâu chỉ mới một chốc lát hoặc chưa có gì cả.
11 - Nguyên nhân sự quên lãng này là vì nhận thức chung chung ấy quá tinh ròng và đơn giản. Khi xâm chiếm linh hồn, nó cũng khiến linh hồn thành đơn giản tinh ròng và trong suốt, không bị ràng buộc vì những nhận thức và hình thức mà qua đó các giác quan và dạ nhớ (ký ức) thường hoạt động khi còn ý thức về thời gian. Và như thế, nhận thức ấy đã khiến linh hồn rơi vào tình trạng quên lãng, mất ý thức về thời gian.
Do đó, như chúng tôi đã xác định, mặc dù việc tâm nguyện này diễn ra lâu giờ, các linh hồn ấy dường như vẫn cảm thấy ngắn ngủi vì đã được nên một với cái nhận thức tinh tuyền vốn siêu vượt thời gian. Có thể nói rằng lời kinh nguyện ấy tuy vắn vỏi nhưng xuyên thủng các tầng trời (Hc 35,17); vắn vỏi là bởi vì nó không nằm trong thời gian, còn xuyên thủng các tầng trời là bởi vì linh hồn đã được nên một với sự hiểu biết thuộc thiên giới. Chỉ khi hồi tỉnh, các linh hồn này mới nhận ra những hậu quả mà sự hiểu biết ấy mang lại, mặc dù trước đó họ không hề ý thức về điều đó, tâm trí họ được thăng hoa đạt đến sự hiểu biết thuộc thiên giới, thoát ra khỏi hình ảnh trừu tượng của mọi vật, mọi hình thể, kể cả sự ghi nhớ về chúng.
Đây là cảm nghiệm từng được vua thánh Đavít tuyên bố khi ngài hồi tỉnh từ sự quên lãng này: "Suốt năm canh trằn trọc, phận như chim lạc đàn đậu mái hiên" (Tv 102,8). Đavít bị cô đơn bởi vì cảm thấy xa lạ với hình ảnh đến từ các sự vật. "Trên mái hiên" ám chỉ tâm trí được nâng cao, kết quả là linh hồn như thể rơi vào tình trạng ngu dốt không còn biết bất cứ sự vật gì ngoại trừ Thiên Chúa, dù linh hồn vẫn không hiểu làm sao mình lại nhận biết được Ngài. Chính điều này đã khiến Tân Nương trong sách Diễm Ca khi đến với Đức Lang Quân đã thốt lên: "Tôi đã chẳng hề biết" (Dc 6,12), tức là, ngoài những hậu quả khác mà giấc ngủ và sự quên lãng ấy gây nên, nàng không còn nhận biết được gì cả.
Như chúng tôi đã đề cập, khi bị nhận thức ấy xâm chiếm, linh hồn dường như cảm thấy biếng nhác vì không làm gì cả với các giác quan hoặc quan năng của nó. Tuy nhiên, không được nghĩ rằng linh hồn ấy đang phung phí thời gian bởi vì dầu cho sự tương tác hòa điệu giữa các quan năng cảm giác và tâm linh ngừng lại thì trí hiểu vẫn bị nhận thức ấy xâm chiếm theo cách thức chúng tôi đã giải thích. Thảo nào vị tân nương đầy khôn ngoan trong Diễm Ca đã trả lời cho một trong các ngờ vực của nàng như sau: "Tôi ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức" (Dc 5,2) nghĩa là dầu xét về mặt tự nhiên tôi đang ngủ - tức ngưng làm việc - nhưng về mặt siêu nhiên tim tôi vẫn thức vì nó đang được nâng lên tầm nhận thức siêu nhiên.
12 - Tuy nhiên chớ nên tưởng rằng nhận thức này nhất thiết phải gây ra sự quên lãng nêu trên. Sự quên lãng chỉ xảy ra khi Thiên Chúa tước bỏ không cho linh hồn sử dụng các quan năng tự nhiên và tâm linh. Không phải lúc nào nhận thức này cũng xâm chiếm toàn vẹn linh hồn, do đó không phải lúc nào cũng xuất hiện sự quên lãng ấy. Như thế, nhận thức chúng ta đang bàn đây chỉ đòi loại khỏi trí hiểu mọi nhận thức cụ thể thuộc lãnh vực trần thế hoặc tâm linh; và cũng đòi lòng muốn không được suy nghĩ gì đến những điều ấy. Lúc đó chúng ta có được dấu chỉ cho thấy linh hồn đã được Thiên Chúa chiếm hữu.
Dấu chỉ này cần thiết để giúp nhận ra nhận thức ấy khi nó chỉ thông giao với riêng trí hiểu, bởi vì đôi khi vẫn xảy ra những điều này mà linh hồn lại không nhận thấy. Tuy nhiên, khi nào có cả sự thông giao với lòng muốn - điều này hầu như luôn luôn xảy ra - nếu linh hồn muốn phân biện thì chắc chắn ít nhiều cũng hiểu rằng mình đang bị nhận thức ấy xâm chiếm. Linh hồn sẽ nhận ra hương vị ngọt ngào của tình yêu mặc dù không hiểu rõ về những gì mình đang yêu mến. Do đó, linh hồn sẽ gọi điều ấy là một nhận thức chung chung đầy yêu mến.
Quả thế, sự thông giao này được gọi là nhận thức chung chung đầy yêu mến vì nó được thông ban cho trí hiểu một cách tăm tối, đồng thời lòng muốn cũng được ban cho một thứ hoan lạc yêu thương mơ hồ mà không phân biện rõ ràng được những gì linh hồn đang mến yêu.
13 - Đến đây, thiết tưởng việc giải thích nêu trên đủ giúp chúng ta thấy rằng linh hồn cần hiểu rõ nhận thức này trước khi phải rời bỏ con đường nguyện gẫm suy lý, đồng thời cũng đảm bảo cho chúng ta rằng mặc dù bề ngoài có vẻ uể oải song thực sự linh hồn đang hoạt động tốt nếu nhận ra được ba dấu chỉ nêu trên. Việc giải thích này cũng đủ để giúp ta hiểu rằng nếu cách biểu lộ của luồng sáng này có vẻ dễ nắm bắt hơn thì chưa hẳn là dấu chỉ cho thấy nó thanh khiết, cao vời và trong sáng hơn, như chúng ta đã diễn tả trên kia qua ví dụ về tia nắng mặt trời khi chạm phải những hạt bụi thì nhờ đó mắt ta lại dễ trông thấy hơn. Vậy rõ ràng là, theo như triết gia Aristoteles và các thần học gia đã xác nhận, ánh sáng thần linh càng cao vời thì càng tăm tối đối với trí hiểu của chúng ta.
14 - Ta còn có thể nói nhiều về bản chất nhận thức thần linh này cũng như những hiệu quả nó mang lại cho linh hồn. Tuy nhiên xin để đến một chỗ thích hợp sẽ nói sau vì bàn luận dài dòng về ở đây chỉ khiến cho học thuyết này càng thêm tối tăm. Quả thực tôi xin thú nhận, điều này rất đỗi tối tăm. Một đàng, nhận thức này là một đề tài hiếm khi được bàn đến theo kiểu này xét về ngôn từ cũng như lối viết, vì tự thân đây là một điều bất thường và tăm tối. Đàng khác, lối viết vụng về và thiếu kiến thức của tôi càng làm nó tăm tối thêm. Bởi sợ mình thiếu khả năng giải thích về điểm này, nên tôi cứ thường vượt ra quá giới hạn của phần học thuyết mình đang trình bày. Nhưng tôi xin thú nhận, đôi khi tôi cố ý làm như thế bởi vì có thể lắm người chưa hiểu lý do mình vừa nêu ra nhưng biết đâu mình nêu ra những lý do khác lại giúp họ hiểu được. Vì thế, tôi nghĩ rằng sử dụng lối trình bày như thế sẽ làm sáng tỏ hơn cho những giải thích kế tiếp.
15 - Tóm lại, tôi cho rằng cần phải giải đáp cho vấn nạn liên quan đến tính cách liên tục của nhận thức chung chung nói trên. Và tôi sẽ thực hiện điều này một cách vắn gọn ở chương kế tiếp.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét