Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 22: Nơi những điều tốt tự nhiên (2)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 22
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN (2)

Chương này bàn về những thiệt hại linh hồn phải gánh chịu khi để cho lòng muốn đặt sự vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên.

1 - Phần lớn thiệt hại và lợi ích tôi đang trình bày nơi những sự vui thỏa này đều chung cho mọi thứ vui thỏa, đều là hậu quả trực tiếp của một vui thỏa nào đó hoặc của sự khước từ cái vui thỏa ấy. Vì thế, ở mỗi loại, tôi đều nói đến cả hại và lợi vốn cũng có nơi các loại khác.

Tuy nhiên, chủ ý của tôi là nói lên những thiệt hại và lợi ích riêng biệt theo từng loại vui thỏa do thái độ chiều theo hay khước từ của linh hồn. Tôi gọi những thiệt hại và lợi ích ấy là riêng biệt bởi chúng nảy sinh trực tiếp và chính yếu từ một loại sự vui thỏa nào đó, đang khi chỉ gián tiếp và thứ yếu từ một loại sự vui thỏa khác.

Chẳng hạn sự nguội lạnh tâm linh trực tiếp phát sinh từ mọi loại và mỗi loại vui thỏa do đó, tệ hại này là chung cho cả sáu loại vui thỏa tôi sẽ nói. Còn tà dâm là một tệ hại riêng biệt, chỉ đi theo sự vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên thuộc thể xác mà chúng ta đang bàn.

2 - Như vậy khi linh hồn tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên, sẽ có những tệ hại tâm linh và thể chất phát sinh trực tiếp và hữu hiệu nơi linh hồn, được thu gọn vào sáu loại chính như sau:

Thứ nhất là thói ham danh, tự phụ, kiêu căng và khinh người. Ta không thể dành cho một vật sự trìu mến trổi vượt mà lại không xem nhẹ các vật khác. Ít ra cũng có một sự chê bai các vật khác vì theo lẽ tự nhiên, khi coi trọng một vật gì, trái tim sẽ rút lui khỏi những sự vật khác để tập trung vào sự vật được quí chuộng. Rồi từ chỗ thực sự xem thường ấy, người ta dễ dàng rơi vào chỗ khinh chê một số sự vật khác một cách riêng biệt hay chung chung, không những trong lòng mà còn biểu hiện nơi đầu miệng lưỡi bằng những câu nói: "Người này chẳng như người kia, người nọ; sự này chẳng được như sự nọ, sự kia... ".

Tệ hại thứ hai là kích thích giác quan tìm thỏa thích, vui khoái điều nhục cảm, dâm ô.

Tệ hại thứ ba là khiến người ta rơi vào chỗ thích được nịnh bợ với những lời tán tụng hoa mỹ giả dối hão huyền như lời ngôn sứ Isaia: "Ôi dân Ta, những kẻ dẫn dắt ngươi làm ngươi lạc hướng, đường lối ngươi đi, chúng làm cho rối loạn!" (Is 3,12). Những lời khen ngợi nét duyên dáng và sắc đẹp có thể là chân thực, nhưng rất hiếm khi nó không để lại một điều tệ hại ẩn giấu nào đó hoặc khiến người được ca tụng rơi vào sự thỏa mãn vui sướng hão huyền, dẫn đến những tình cảm và ý hướng bất toàn.

Tệ hại thứ tư mang tính tổng quát, bởi lý trí và trí phán đoán trở thành quá cùn nhụt và khi tìm vui thỏa đối với của cải trần tục càng thêm cùn nhụt hơn. Bởi lẽ những điều tốt tự nhiên còn thân thiết với người ta hơn những điều tốt trần tục. Những điều tốt tự nhiên gây ra một ấn tượng hiệu lực hơn, mau chóng hơn và cuốn hút mãnh liệt hơn. Do đó, lý trí và trí phán đoán không còn được tự do nhưng hóa thành mù mịt do niềm vui thân thiết ấy kích động.

Từ đó phát sinh tệ hại thứ năm là sự lo ra chia trí hướng về các loại thụ tạo.

Rồi từ đây lại phát sinh ra sự nguội lạnh và yếu đuối về mặt tâm linh là tệ hại thứ sáu. Đây là một tác hại chung và thường tiến rất xa đến độ khiến người ta chán ngấy và buồn bực đối với những chuyện thuộc về Thiên Chúa, thậm chí còn ghê sợ!

Do tìm thứ vui thỏa này, thế nào người ta cũng đánh mất đi cái nhiệt tình đích thật ít ra ở vào bước đầu. Nếu lúc này còn chút nhiệt tình nào thì cũng sẽ nặng phần cảm tính và rất thô thiển, ít mang tính tâm linh, ít sâu lắng. Nó tập trung vào thích thú cảm giác hơn là sức mạnh tâm linh. Tinh thần trở nên thấp hèn yếu nhược đến mức chẳng dập tắt được cái thói quen của thứ vui thỏa như thế. Chỉ nguyên việc có thói quen bất toàn ấy đủ ngăn cản nhiệt tình đích thật, cho dầu người ta không ưng thuận các động tác của sự vui thỏa ấy. Tinh thần sống trong sự yếu nhược của giác quan nhiều hơn trong sức mạnh của tâm linh. Mỗi khi dịp tội xảy đến, tinh thần sẽ thấy rõ mình chưa được hoàn thiện và mạnh mẽ. Tôi không phủ nhận rằng nhiều nhân đức vẫn có thể cùng tồn tại với những thứ bất toàn đáng kể, nhưng nếu không chịu dập tắt thứ vui thỏa này thì không thể nào có được thứ tâm linh sâu lắng, tinh tuyền và ý nhị, bởi lẽ nơi đây "xác thịt" đã làm chủ và chống lại thần khí (x. Ga 5,17); vậy mặc dù tâm linh không nhận thấy được mình bị thiệt hại tới mức nào thì ít ra mối tệ hại ấy vẫn kín đáo gây ra một sự lo ra chia trí nào đó.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 21: Nơi những điều tốt tự nhiên

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 21
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN

Chương này bàn về sự hão huyền khi lòng muốn tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên, và về cách vượt qua chúng mà hướng đến với Thiên Chúa.

1 - Những điều tốt tự nhiên ở đây gồm: sắc đẹp, duyên dáng, ngoại hình và mọi ưu điểm khác nơi thân xác cũng như các ưu điểm nơi linh hồn gồm trí thông minh, sự cẩn trọng và những điểm khác thuộc phần lý trí.

Người ta không được vui thỏa vì mình hoặc người thân của mình có được những ưu điểm ấy mà hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho những điều ấy để nhờ đó người ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn. Quả là hão huyền và giả dối khi chỉ biết vui thỏa vì có được những ưu điểm nói trên, bởi theo lời vua Salômôn: "Duyên dáng là giả dối, sắc đẹp là hão huyền, chỉ phụ nữ nào biết kính sợ Thiên Chúa mới đáng ca ngợi" (Cn 31, 30). Qua câu nói ấy Salômôn muốn dạy rằng đúng ra người ta phải dè chừng những tài khéo tự nhiên này bởi do chúng, người ta dễ lãng quên tình yêu mến Thiên Chúa vì một khi bị chúng lôi cuốn, người ta dễ bị rơi vào hão huyền và lầm lạc. Bởi thế, Salômôn cho rằng duyên dáng thể chất là giả dối vì nó lừa gạt người ta lạc đường và lôi kéo người ta vào những bất xứng do sự vui thỏa hão huyền và sự khoái chí về mình hay về người có cái duyên dáng ấy. Còn sắc đẹp là hão huyền, vì nó khiến cho những người quí chuộng và vui thỏa nơi nó sa ngã đủ cách. Người ta chỉ được phép vui thỏa nếu nhờ đó mà mình hoặc người khác phụng sự Thiên Chúa được nhiều hơn. Song tốt hơn, người ta hãy dè chừng và lo sợ để những ân huệ và duyên dáng tự nhiên ấy khỏi làm cớ khiến mình xúc phạm Thiên Chúa, dán mắt vào chúng với lòng tự phụ hão huyền hoặc quyến luyến vô độ.

Những ai có được những ân huệ ấy phải cẩn thận và sống đoan trang để khỏi vì sự phô bày hão huyền của mình mà nên dịp cho người khác phải xa lìa Thiên Chúa dù là trong phút chốc. Những duyên dáng và ân huệ tự nhiên ấy thường kích thích và gây dịp tội cho cả người chủ lẫn người ngắm nhìn chúng, đến nỗi hiếm có ai không bị chúng ràng buộc bằng một sợi dây trói nào đó. Chúng tôi đã từng thấy có những người yêu đường tâm linh khi có được những nét duyên sắc ấy, đã phải cầu xin Thiên Chúa biến họ thành xấu xí đi, kẻo nên dịp nên cớ cho kẻ khác rơi vào một thứ vui thỏa hoặc quyến luyến hão huyền nào đó.

2 - Vậy người sống theo tâm linh phải thanh tẩy và làm cho lòng muốn nhắm mắt lại với sự vui thỏa hão huyền ấy, xác tín rằng vẻ đẹp và các ân huệ tự nhiên khác chỉ là bùn đất, chúng phát sinh từ đất và sẽ trở về đất; duyên dáng, thanh lịch chỉ là khói, là khí của trái đất này. Phải xem và đánh giá chúng như thế để khỏi rơi vào chỗ hão huyền. Qua những điều tốt lành trần tục ấy, cần nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa trong sự hân hoan vui thỏa, bởi lẽ chính Thiên Chúa là toàn thể sự duyên dáng mĩ miều ở mức ưu việt, vô cùng trổi vượt trên hết mọi loài thụ tạo. Như lời Thánh Vịnh: "Ngài thay chúng khác nào thay áo, nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên; tháng năm Ngài vẫn triền miên" (Tv 101,27). Như thế, trong tất cả ân huệ tốt lành ấy nếu ta không biết nâng sự vui thỏa lên với Thiên Chúa thì sẽ luôn luôn bị lầm lạc hoặc ảo tưởng. Đây là điều mà Salômôn muốn ám chỉ khi nói đến sự vui thỏa nơi loài thụ tạo: "Tôi tự nhủ: Cứ đến đây, ta sẽ cho ngươi thử hưởng thú vui và nếm mùi hạnh phúc. Thế nhưng cả cái đó cũng chỉ là phù vân" (Gv 2,1). Thế thì, tại sao ta lại để cho lòng mình bị thụ tạo mê hoặc?

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 20: Của cải trần tục (2) (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 20
CỦA CẢI TRẦN TỤC (2)* (tiếp theo)

3 - Như vậy khi không tìm vui thỏa bằng chiếm hữu của cải thì lại được vui thỏa như kẻ làm chủ tất cả; còn khi vui thỏa với thái độ chiếm hữu của cải đời này, người ta đánh mất cái thú vị về mọi thứ nói chung. Một bên do chẳng có gì cả nơi lòng mình nên lại có được tất cả cách rất thong dong, hoàn toàn tự do như lời thánh Phaolô đã nói (x. 2Cr 6,10); còn bên kia vì dính bén lòng muốn vào chúng nên chẳng có mà cũng chẳng đạt được gì. Của cải chiếm đoạt tâm hồn họ và giam hãm họ trong khổ hình như nô lệ. Do đó, người ta càng muốn vui thỏa nơi các thụ tạo ngần nào càng khiến trái tim bị trói buộc và tù hãm phải thêm âu lo và dằn vặt ngần ấy.
Người thanh thoát thì lúc cầu nguyện hay những lúc khác đều chẳng phải áy náy lo âu, không bị mất thời giờ, dễ hồi tâm và thu tích dư dật ơn thiêng. Còn người dính bén thì chỉ mất giờ loay hoay với xiềng xích đang trói buộc và cầm tù họ. Dù cố gắng mấy họ cũng không thể thoát khỏi xiềng xích ấy chốc lát.

Như vậy, thoạt khi vừa thấy mình nghiêng chiều về sự vui thỏa với các thụ tạo, người sống theo tâm linh phải biết kiềm chế ngay bằng cách nhớ lại nguyên tắc chúng ta đang theo ở đây. Nguyên tắc ấy là, chẳng nên vui thỏa về điều gì khác hơn là phụng sự Thiên Chúa và mưu tìm vinh quang danh dự cho Thiên Chúa trong tất cả mọi sự; quy hướng mọi sự vào mục đích duy nhất ấy, luôn xa lánh sự hão huyền và không bao giờ tìm kiếm sự vui thỏa và an ủi nơi cái hão huyền.

4 - Rút vui thỏa khỏi loài thụ tạo còn có một lợi ích khác rất lớn lao và quan trọng là để trái tim được tự do dành cho Thiên Chúa. Đây là bước chuẩn bị đầu tiên để sẵn sàng lãnh nhận mọi hồng ân Thiên Chúa muốn thực hiện cho linh hồn, bằng không, Thiên Chúa sẽ chẳng thực hiện. Các hồng ân ấy lớn lao đến nỗi, ngay cả về mặt trần tục, nếu vì yêu Chúa và vì sự hoàn thiện Tin Mừng mà từ bỏ một sự vui thỏa thì Chúa sẽ bù lại gấp trăm ngay ở đời này, như Ngài đã hứa trong Tin Mừng (Mt 19,29; Mc 10,30).

Mà dầu không có được những lời lãi ấy, thì tận thâm sâu lòng mình, người sống theo tâm linh vẫn phải dập tắt những nỗi vui thỏa nơi loài thụ tạo ấy vì chúng khiến Thiên Chúa buồn lòng. Tin Mừng cho thấy chỉ nguyên việc gã giàu có nọ hí hửng vui thỏa vì tích lũy được của cải cho nhiều năm cũng đủ khiến Thiên Chúa thịnh nộ, đòi hắn phải tính sổ linh hồn ngay trong đêm ấy (x. Lc 12,20). Như thế, phải tin rằng mỗi lần chúng ta vui thỏa hão huyền, Thiên Chúa đều nhìn thấy và tuyên cáo một hình phạt và một sự cay đắng nào đó mà chúng ta đáng phải chịu. Hình phạt phát sinh từ sự vui thỏa hão huyền ấy cay đắng gấp trăm lần cái thích thú mà sự vui thỏa ấy mang lại. Trong sách Khải Huyền thánh Gioan nói về thành Babylon: "Nó đã phô trương vinh quang và sống xa hoa bao nhiêu, thì hãy giáng khổ hình và tang tóc cho nó bấy nhiêu" (Kh 18,7). Bản văn không bảo hình phạt sẽ nặng nề hơn niềm vui, nhưng đương nhiên là thế, bởi lẽ những thú vui ngắn ngủi ở đời này vẫn mang lại cực hình vĩnh cửu. Bản văn ấy còn giúp ta hiểu rằng không điều gì mà không có một hình phạt riêng của nó. Đấng sẽ "trừng phạt một lời nói bông lơn" (x. Mt 12,36) hẳn nhiên sẽ không tha thứ cho một sự vui thỏa hão huyền.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 20: Của cải trần tục (2)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 20
CỦA CẢI TRẦN TỤC (2)*

Chương này bàn về những lợi ích linh hồn có được nhờ tránh xa sự vui thỏa nơi của cải trần tục.

1 - Người sống theo tâm linh phải lo sao cho trái tim và sự vui thỏa của mình đừng dính bén vào một của cải trần tục nào kẻo sự dính bén ấy sẽ tăng dần, từ ít đến nhiều, từ mức này đến mức khác; khởi đầu chỉ là chuyện nhỏ, đến cuối thành chuyện lớn, khác nào một tia lửa đủ thiêu hủy một trái núi và ngay cả toàn thế giới. Đừng chủ quan nghĩ rằng mình chỉ dính bén chút ít, chưa cắt ngay bây giờ về sau cắt vẫn được. Thế nhưng, nếu bạn không có can đảm cắt đứt khi sự dính bén còn yếu và mới ở bước đầu, làm sao bạn dám nghĩ mình sẽ cắt được khi sự dính bén đã lớn mạnh và ăn rễ sâu hơn? Trong Tin Mừng Chúa có nói: "Người nào bất trung trong việc nhỏ cũng sẽ bất trung trong việc lớn" (Lc16,10). Ai tránh cái nhỏ sẽ không bị rơi vào cái lớn hơn. Tuy nhiên ngay trong cái nhỏ vẫn có hiểm nguy lớn bởi nó đã tạo được vết nứt trên tường rào của trái tim. Người ta thường nói: “Khởi đầu một sự việc tức hoàn tất nó được một nửa rồi”. Vua Đavít cũng cảnh báo: "Dầu cho có dư dật của cải chúng ta cũng đừng đặt tâm hồn mình nơi chúng" (Tv 61,11).

2 - Dù không vì Thiên Chúa hoặc vì sự hoàn thiện Kitô giáo đòi hỏi, chỉ nguyên những lợi ích trần tục và tâm linh cũng đáng cho người ta hoàn toàn giải thoát lòng mình khỏi sự vui thỏa đối với những của cải nói trên. Như thế không những tránh được những thiệt hại nói ở chương trước mà còn đạt được sự thanh thoát, là một trong những điều kiện chính yếu để nên một với Thiên Chúa, và là nhân đức không thể đi đôi với lòng ham hố.
Ngoài ra, người ta còn đạt được sự tự do tâm linh, lý trí được sáng suốt, thư thái, an tịnh, cậy trông vào Thiên Chúa, thuận phục Thiên Chúa và lòng muốn sẵn sàng tuân theo lời Ngài.

Hơn nữa, càng siêu thoát khỏi các thụ tạo người ta càng được vui thỏa và thoải mái nơi chúng hơn. Người ta không thể có được điều ấy nếu như cứ nhìn ngắm chúng với lòng quyến luyến muốn chiếm hữu. Não trạng chiếm hữu là một sợi dây trói buộc, ghì kéo tinh thần người ta xuống đất và không để cho lòng họ mở rộng. (2Cr 6,11).

Một khi chẳng dính bén đến loài thụ tạo, người ta sẽ nhận thức rõ về chúng để nhận định đúng các sự thật liên can đến chúng về phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên. Do đó, cách họ vui hưởng những điều tốt lành trần thế khác hẳn so với cách của những kẻ gắn bó với chúng, đồng thời họ được hưởng những ơn ích và thuận lợi lớn hơn nhiều. Họ vui hưởng chúng theo bản chất đích thực của chúng còn những người kia thì theo sự giả trá của chúng. Một bên theo cái tốt hơn, bên kia theo cái xấu hơn. Một bên theo cái chính yếu, bên kia còn để cho giác quan dính bén cho nên chỉ theo được cái phụ tùy. Bởi giác quan không thể nào nắm bắt hay vượt quá giới hạn cái phụ tùy, còn tâm linh một khi được thanh tẩy khỏi áng mây và các thứ phụ tùy, sẽ thấu đạt sự thật và giá trị các sự vật, là đối tượng của nó. Sự vui thỏa nơi thụ tạo tựa áng mây làm tăm tối trí phán đoán, bởi lẽ sự vui thỏa có ý thức đối với loài thụ tạo bao giờ cũng ẩn chứa cái ý chiếm hữu từ bên trong. Sự vui thỏa mang tính đam mê bao giờ cũng hiểu ngầm là, nơi tâm hồn, người ta đã thường xuyên chiếm hữu những điều ấy. Như thế, việc chối bỏ và thanh tẩy một sự vui thỏa như thế sẽ làm cho trí phán đoán được sáng suốt tựa bầu khí trở nên thanh trong khi mây tan biến.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 19: Của cải trần tục (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 19
CỦA CẢI TRẦN TỤC * (tiếp theo)

8 - Mức độ thứ tư của tệ hại gây mất mát này được ghi nơi câu cuối của trích dẫn nêu trên: "Nó đã xa lìa Thiên Chúa, Núi Đá độ trì nó" (Đnl 32,15). Người ta rơi xuống đây từ mức độ thứ ba vừa đề cập. Vì mê của cải trần tục, linh hồn kẻ ham hố chẳng còn lưu tâm đến lề luật Chúa. Nó xa lìa Thiên Chúa cả nơi dạ nhớ, trí hiểu và lòng muốn. Nó quên bẵng Thiên Chúa như thể Ngài không phải là Thiên Chúa của nó. Sở dĩ thế là vì linh hồn đã tạo nên những thần tượng bằng vàng bạc và của cải trần tục, như lời thánh Phaolô: "Tính tham lam đồng nghĩa với tôn thờ ngẫu tượng" (Cl 3,5). Mức độ thứ tư này đưa người ta đến chỗ lãng quên Chúa, thay vì hướng hết tâm hồn về Thiên Chúa, họ thật sự đặt hết tâm huyết vào vàng bạc như thể không có một vị Chúa Tể nào khác ngoài vàng bạc.

9 - Thuộc về mức độ thứ tư này là những kẻ không ngần ngại bắt những chuyện siêu nhiên phục vụ cho các sự vật trần tục như phục vụ chúa tể của họ. Đúng ra họ phải làm ngược lại, tức là qui những thứ ấy về Thiên Chúa, nếu họ thực sự coi Ngài là Thiên Chúa của họ. Trong số những người này có Balaam, kẻ đã đem bán những ân sủng được Thiên Chúa ban cho (Ds 22,7). Cả Simon phù thủy cũng thuộc số này. Ông ta tưởng có thể đánh giá ân sủng Thiên Chúa bằng tiền bạc và muốn dùng tiền mua ơn Chúa (Cv18,18-19). Ông ta nghĩ tiền bạc rất giá trị và có thể tìm được người sẵn lòng đổi ân sủng để lấy tiền.

Thời nay có rất đông người thuộc về mức độ này, theo hàng ngàn cách khác nhau. Lý trí bị mù quáng do lòng tham, họ đánh giá các thực tại tâm linh cách rất lệch lạc. Họ phụng sự tiền bạc chứ không phụng sự Thiên Chúa. Họ chạy theo sự thúc giục của tiền bạc chứ không phải của Thiên Chúa. Họ coi trọng giá trị tiền bạc hơn giá trị và phần thưởng Thiên Chúa ban. Bằng nhiều cách thế, họ biến tiền bạc thành vị thần chính yếu và đích nhắm của họ. Thiên Chúa không còn là cùng đích của họ nữa.

10 - Thuộc về mức độ sau cùng này còn phải kể đến tất cả những linh hồn coi trọng của cải trần gian đến nỗi coi đó như là chúa của mình và không ngần ngại hy sinh cả mạng sống khi thấy rằng thứ chúa ấy của họ phải tạm thời giảm bớt đôi chút. Họ đâm ra tuyệt vọng và tự sát vì những mục đích tồi tệ, và tự đưa tay chỉ cho thấy thứ tiền công thảm bại nhận được do sự phục vụ vị thần của ho. Một khi họ chẳng còn hy vọng kiếm được chút gì nơi “thần tài”, ông thần này liền ban cho họ sự tuyệt vọng và cái chết. Còn những kẻ mà y không dẫn đến tai họa chung cục chết chóc này thì y cũng khiến họ dở sống dở chết trong những nỗi khổ tâm lo lắng và nhiều điều khốn nạn khác. Y loại trừ sự vui thỏa khỏi tâm hồn họ và chẳng để một điều tốt lành nào lóe sáng cho họ trên cõi dương trần. Những kẻ bất hạnh ấy phải liên lỉ nộp sự nghiêng chiều của họ cho thần tài như nộp thuế. Họ lao nhọc vì nó, dính bén với nó đến tận cái tai ương cuối cùng là sự diệt vong. Đó là điều nhà hiền triết đã cảnh báo: "Người giữ của lại chuốc họa vào thân" (Gv 5,12).

11 - Cũng thuộc về mức độ này là những kẻ mà thánh Phaolô bảo rằng: "Vì họ không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Ngài đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng" (Rm 1,28). Sự vui thỏa lôi kéo con người vào tất cả tai họa ấy khi họ đặt sự vui thỏa vào các của cải như là mục tiêu tối hậu.

Còn phần những kẻ chỉ bị thiệt hại ít hơn thì họ vẫn rất đáng thương bởi sự vui thỏa trên đây khiến linh hồn họ lùi xa trên nẻo đường của Thiên Chúa. Vì thế, Vua Đavít đã nói: "Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu" nghĩa là đừng ghen tị với kẻ khác vì nghĩ rằng họ hơn mình bởi vì "khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần" (Tv 48,17-18).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 19: Của cải trần tục (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 19
CỦA CẢI TRẦN TỤC * (tiếp theo)

5 - Mức độ thứ hai của tệ hại gây mất mát đến từ mức độ thứ nhất và được biểu thị bằng phần tiếp theo của câu trích dẫn trên kia: "Nó mập, béo và phát phì ra" (Đnl 32,15). Nghĩa là sự ham muốn các của cải trần tục sẽ mặc sức lớn mạnh. Lòng muốn chẳng còn dè giữ cũng chẳng còn phải vất vả lo tìm vui thỏa hay hưởng thụ các của cải thụ tạo. Nó tự buông thả mình cho vui thỏa. Linh hồn thành ra béo mập và phát phì với những vui thỏa và mê thích ấy đưa đến và nỗi thèm khát các loài thụ tạo sẽ càng khiến lòng muốn phình ra như túi tham không đáy.

Điều ấy kéo theo nhiều tệ hại nghiêm trọng. Linh hồn xa lìa Thiên Chúa và những việc tập luyện thánh thiện, chẳng còn hứng thú gì với những chuyện ấy vì đang mải nếm hưởng những chuyện khác và đang buông mình cho đủ thứ chuyện bất toàn, phù phiếm và những sự vui thỏa, thích thú hão huyền.

6 - Khi mức độ hai đạt cực điểm, người ta sẽ bỏ hết những việc thao luyện tâm linh họ đã từng miệt mài thực tập, để rồi hướng hết tâm trí và sự ham hố vào của cải phàm tục.

Những người rơi vào mức độ này óc phán đoán và trí hiểu bị mù tối không nhận biết được sự thật và đức công bình như những người còn ở mức độ thứ nhất. Họ cực kỳ yếu nhược, nguội lạnh và thờ ơ đối với việc nhận biết và thực hành sự thật và đức công bình. Đúng như lời ngôn sứ Isaia: "Mọi người đều khoái quà cáp và lao mình theo các thứ tiền thưởng. Họ chẳng phân xử công bình cho kẻ mồ côi và cảnh ngộ của các quả phụ không khiến họ chạnh lòng chăm sóc" (x. Is 1,23). Về điều này, họ không thể nào không bị buộc tội, nhất là khi họ là những người có trách vụ. Những người ở mức độ hai này không thể coi là không có ác ý như trường hợp những người ở mức độ thứ nhất. Như thế, họ ngày càng lìa xa sự công chính và các nhân đức, bởi lẽ lòng muốn họ ngày càng nghiêng chiều theo các loài thụ tạo.

Như vậy, đặc điểm của những người ở mức độ này là rất nguội lạnh với các việc tâm linh và làm các việc tâm linh rất chiếu lệ; họ làm vì bị áp lực, vì thói quen, chứ không vì lòng yêu mến.

7 - Mức độ thứ ba của tệ hại gây mất mát do dính bén của cải trần tục đem lại là sự hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa. Người ta không lo chu toàn lề luật Chúa, chỉ lo đến công việc và của cải trần tục để rồi vì ham hố mà phải rơi vào tội trọng. Cấp thứ ba này được nêu ra ở câu tiếp theo trong trích dẫn: "Nó đã lìa bỏ Thiên Chúa, Đấng tạo thành nó" (Đnl 32,15).

Mức độ này bao gồm tất cả những kẻ để cho các quan năng linh hồn lún sâu vào các sự vật, của cải và công việc trần thế đến nỗi chẳng còn làm gì để chu toàn những điều luật Thiên Chúa đòi buộc. Họ lơ là nặng nề trong những chuyện liên can đến phần rỗi của họ nhưng lại rất linh lợi tinh tế trong những chuyện thế trần. Họ là những người mà trong Tin Mừng, Chúa gọi là "con cái thế gian" và bảo rằng họ "khôn ngoan", tinh quái trong các công việc của họ "hơn là con cái sự sáng" trong sự việc của mình (x. Lc 16, 8 ). Với họ thì những gì thuộc về Thiên Chúa chẳng là gì cả nhưng những chuyện trần thế lại là tất cả. Họ đúng là kẻ ham hố. Sự mê thích và vui thỏa của họ lan khắp các thụ tạo đến nỗi không thể nào cảm thấy no thỏa. Thế nhưng vì chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mạch duy nhất có thể làm cho họ no thỏa, nên họ càng xa lìa Thiên Chúa thì cơn đói khát càng gia tăng mãnh liệt. Chính Thiên Chúa đã nói về họ qua lời ngôn sứ Giêrêmia: "Chúng đã lìa bỏ Ta, nguồn suối hằng sống để đào lấy cho mình những bồn chứa rò rỉ không thể chứa nước" (Gr 2,13). Những kẻ ham hố ấy chẳng tìm được thứ gì nơi các thụ tạo có thể làm dịu cơn khát, trái lại còn bị khát thêm. Vì ham mê của cải trần tục họ sa vào hàng ngàn thứ tội lỗi và tác hại của chúng thật vô kể. Vua Đavit nói về họ rằng: "Xác đầy mỡ tiết ra toàn gian ác, và tâm địa chan chứa những mưu mô" (Tv 72,7).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 19: Của cải trần tục

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 19
CỦA CẢI TRẦN TỤC *

Chương này bàn về những thiệt hại linh hồn có thể gặp phải khi đặt sự vui thỏa nơi của cải trần tục.

1 - Hẳn chúng tôi sẽ không đủ giấy mực lẫn thời gian để suy diễn những tệ hại linh hồn phải chuốc lấy khi để lòng muốn của mình nghiêng chiều theo của cải trần tục. Những chuyện vụn vặt lúc đầu có thể dẫn tới những tai họa khủng khiếp và hủy hoại những ơn lành lớn lao, khác nào từ một tia lửa không chịu dập tắt có thể làm phát sinh nhiều đám cháy lớn thiêu hủy cả thế giới.

Tất cả tệ hại ấy đều bắt nguồn từ một sự mất mát hệ trọng mà sự vui thỏa nơi của cải trần tục gây ra: đó là sự xa lìa Thiên Chúa. Khi linh hồn đến với Thiên Chúa nhờ lòng muốn biết nghiêng chiều về Ngài, thì từ đó sẽ phát sinh ra mọi ơn lành. Còn khi linh hồn đến gần Thiên Chúa với sự nghiêng chiều của lòng muốn thì nhờ đó tất cả mọi điều tốt sẽ đến với linh hồn. Cũng thế, khi linh hồn xa rời Thiên Chúa vì quyến luyến thụ tạo, thì mọi khổ đau và thiệt hại sẽ đè nặng linh hồn tùy theo mức độ vui thỏa và sự nghiêng chiều đang gắn chặt nó với loài thụ tạo và đang khiến nó xa lìa Thiên Chúa. Linh hồn bị tác hại nhiều hay ít, về tầm vóc cũng như cường độ, là tùy theo họ xa lìa Thiên Chúa tới mức nào.

2 - Thứ tệ hại gây mất mát này làm phát sinh những những tệ hại khác, mang tính tước đoạt hoặc phá rối. Nó gồm bốn mức độ, mức nọ tệ hại hơn mức kia. Những ai đã mắc phải mức thứ tư, sẽ hứng chịu đủ mọi tệ hại và xấu xa mà chúng ta có thể kể ra được. Môsê đã ghi lại kỹ càng bốn mức độ này nơi sách Đệ Nhị Luật qua những lời sau: "Kẻ ta yêu mến béo phì và hất chân đá hậu. Nó mập, béo và phát phì ra. Nó đã bỏ Thiên Chúa, Đấng tạo ra nó và lìa xa Thiên Chúa, Núi Đá độ trì nó" (x. Đnl 32,15).

3 - Linh hồn vốn từng được yêu dấu giờ đây đâm ra béo phì, tức là dìm mình vui thỏa với loài thụ tạo. Từ đây nẩy sinh mức độ tệ hại thứ nhất tức là linh hồn bị thụt lùi. Tâm trí thành đờ đẫn không còn hướng về Thiên Chúa. Sự đờ đẫn làm mờ tối hết các ơn Thiên Chúa ban khác nào áng mây che tối khí trời, cản ánh sáng mặt trời soi chiếu.

Thật vậy, một khi đặt sự vui thỏa vào một thứ gì đó và buông thả cho xúc cảm chạy theo những chuyện phù phiếm, người sống theo tâm linh sẽ bị tối tăm về phíaThiên Chúa, trí phán đoán vốn nhạy bén sẽ bị lu mờ. Đó là điều Chúa Thánh Thần đã dạy nơi sách Khôn Ngoan: "Vì sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác" (Kn 4,12). Qua đó Chúa Thánh Thần muốn ta hiểu rằng ngay cả trước khi trí hiểu kịp manh nha một chút ác ý, chỉ nguyên sự thèm muốn và vui thỏa về những thứ phù phiếm nói trên đủ gây cho linh hồn mức độ tệ hại đầu tiên này, khiến tinh thần thành đần độn và trí phán đoán thành mù tối không còn hiểu đúng sự thật và xét định cho đúng được mọi sự.

4 - Bao lâu ta còn nhượng bộ đôi chút cho dục vọng hoặc còn tìm vui thỏa nơi các sự vật trần tục thì sự thánh thiện và phán đoán đúng mà ta có được vẫn chưa đủ để giữ ta khỏi rơi vào mối tệ hại này. Bởi thế, qua ông Môsê, Thiên Chúa dạy: "Ngươi không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ sáng mắt hóa ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính" (Xh 23,8).

Lời khuyên ấy dành riêng cho những người sắp làm thẩm phán vì họ cần phải có óc phán đoán sáng suốt và nhạy bén. Họ sẽ không giữ được như thế nếu lòng họ còn ham hố và thích nhận quà cáp.

Do đó, Thiên Chúa đã truyền cho Môsê phải giao trách nhiệm thẩm phán cho những người biết ghê sợ tính tham lam hà tiện để phán đoán của họ không bị hư hỏng do tìm no thỏa các đam mê. (x. Xh 18,21-22).

Không những Thiên Chúa bảo các thẩm phán đừng ham muốn mà còn bảo họ phải ghê sợ tính tham lam hà tiện. Để hoàn toàn thoát khỏi nghiêng chiều về điều gì đó thì phải ghét bỏ điều ấy. Phải đấu tranh với một nghiêng chiều bằng điều ngược lại. Lý do khiến Samuel luôn là một vị thẩm phán rất công minh và sáng suốt, như ông xác nhận nơi sách Samuel quyển I (1Sm 12,3), là vì ông chẳng hề nhận quà cáp của ai.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 18: Những điều tốt trần tục (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 18
NHỮNG ĐIỀU TỐT TRẦN TỤC * (tiếp theo)

4 - Về con cái cũng vậy, không nên vui thỏa chỉ vì đông con, vì chúng giàu có, lắm tài năng, duyên dáng tự nhiên hay nhiều may mắn mà chỉ nên vui thỏa vì đám con ấy biết phụng sự Thiên Chúa. Sự đẹp trai, giàu có, dòng dõi thế phiệt nào có giúp gì cho Absalom, con vua Đavít, một khi y không biết phụng sự Thiên Chúa (2Sm 14,25). Như thế vui thỏa về những điều ấy quả là hão huyền.

Vì lẽ đó, ước ao con cái cũng là chuyện hão huyền. Một số người, vì mong muốn con cái, mà làm náo loạn cả thế giới lên. Họ đâu biết được liệu đám con ấy có tốt lành và biết lo phụng sự Thiên Chúa chăng, hay rồi niềm hạnh phúc đầy mong đợi của họ sẽ chỉ biến thành đau đớn, sự thư thái ủi an thành đau khổ muộn phiền, danh dự thành tủi nhục, chỉ vì cũng như nhiều người khác, chúng còn xúc phạm đến Thiên Chúa nặng nề hơn! Chúa Kitô đã nói về những người này như sau: "Họ rong ruổi khắp cùng biển cả, đất liền để kiếm thêm con cháu rồi biến chúng thành những đứa con hư hỏng và tệ hơn họ gấp đôi" (x. Mt 23,15).

5 - Do đó, dù mọi chuyện đều mỉm cười với ta và mọi chuyện đều thành công mỹ mãn, ta vẫn phải e ngại hơn là vui thỏa, bởi những chuyện ấy thường là dịp, là nguy cơ khiến ta quên Thiên Chúa và xúc phạm đến Ngài. Nơi sách Giảng viên, vua Salômôn đã tự nhủ mình hãy cẩn trọng đối với điều ấy: "Cười là điên rồ. Vui là vô tích sự" (Gv 2,2). Ý ông muốn nói: Dù mọi chuyện có cười đón tôi, tôi vẫn cho rằng vui thỏa vì chúng là sai lầm và điên dại. Bởi lẽ thật rất sai lầm và điên dại khi tìm vui thỏa nơi những thứ khiến ta thỏa mãn vui cười nhưng lại không biết chắc nó có đem lại cho ta điều tốt vĩnh cửu nào hay không. Nhà hiền triết từng nói: "Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi" (Gv 7,4). Quả thật sự hỉ hoan khiến lòng thành mù tối và không biết xét định và cân nhắc. Còn những chuyện buồn rầu giúp ta mở mắt nhìn ra cái lợi cái hại nơi đó. Bởi vậy cũng chính hiền giả ấy còn nói: "Phiền muộn thì tốt hơn vui cười" (Gv 7,4), và "Đi đám tang thì tốt hơn đi đám tiệc" (Gv 7,2) — bởi vì ở nơi chỗ tang chế, người ta thấy được điểm kết thúc của mọi người, người còn sống phải để tâm suy nghĩ (Gv 7,3).

6 - Vui thỏa vì có chồng thế này, vợ thế nọ mà chẳng rõ mình có phụng sự Thiên Chúa tốt hơn trong đời sống hôn nhân không thì cũng là một thứ hão huyền. Hôn nhân cũng khiến người trong cuộc bị chi phối, như lời thánh Phaolô nói, nó khiến vợ chồng chỉ biết lo cho nhau nên không còn dành được trọn cõi lòng cho Thiên Chúa (x. 1Cr 7,33-34). Vì vậy Ngài bảo: "Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ" (1Cr 7,27). Còn nếu đã có vợ thì hãy liệu sao cho lòng được rảnh rang như thể không có vợ. Điều này cũng hợp với những lời ngài dạy chúng ta khi bàn về của cải trần tục: Tôi xin nói với anh em điều này: "Thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có;ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi" (1Cr 7,29-31).

Như thế, chẳng nên tìm vui thỏa nơi điều gì khác ngoài việc phụng sự Thiên Chúa, bởi vì tất cả đều là hão huyền và vô ích, vui thỏa mà không hướng về Thiên Chúa thì chẳng thể sinh lợi ích gì cho linh hồn.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 18: Những điều tốt trần tục

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 18
NHỮNG ĐIỀU TỐT TRẦN TỤC *

Chương này bàn về sự vui thỏa với những điều tốt trần tục. Ta phải qui hướng nó về Thiên Chúa như thế nào.

1 - Loại điều tốt đầu tiên cần bàn đến là những điều tốt thuộc trần tục. Chúng tôi muốn ám chỉ đến sự giàu có, địa vị, chức vụ và các thứ tham vọng khác, rồi con cái, bố mẹ, bà con, cưới hỏi vv... tất cả những thứ này đều khiến lòng muốn có thể vui thỏa.

Quả là hão huyền khi người ta đặt sự vui thỏa nơi của cải, chức tước, địa vị, chức vụ và những thứ khác tương tự, là những thứ vốn thường gắn liền với tham vọng người đời. Nếu có ai nhờ giàu hơn mà phụng sự Thiên Chúa tốt hơn thì nên vui; nhưng thường thì ngược lại, của cải là căn nguyên khiến ta xúc phạm Thiên Chúa, theo như lời dạy của nhà hiền triết: "Hỡi con, nếu con giàu có, con sẽ không tránh khỏi tội" (Hc 11,10). Tự bản chất của cải trần tục không nhất thiết khiến ta phạm tội nhưng, vì yếu đuối, lòng ta vẫn thường quyến luyến chúng và lìa bỏ Thiên Chúa — và lìa bỏ Thiên Chúa tức là phạm tội rồi — cho nên nhà hiền triết mới nói câu: "Con sẽ không tránh khỏi tội."

Trong Tin Mừng, Chúa gọi sự giàu có của cải là những gai góc (Mt 13,22; Lc 8,14) nhằm giúp ta hiểu rằng ai chủ ý mê mẩn với của cải thì sẽ bị chấn thương vì tội lỗi. Lời cảm thán của Chúa nơi Tin Mừng Luca quả là đáng sợ: "Người giàu có khó vào được nước Trời" (Lc 18,24) (những người giàu có nói đây tức là những người đặt sự vui thỏa nơi của cải). Lời ấy cho ta hiểu rằng chẳng nên vui thỏa vì sự giàu có bởi chúng khiến ta rơi vào nguy cơ hết sức lớn. Để giúp ta tránh được nguy cơ này, vua Đavít cũng có nói: "Nếu con giàu có dư dật, thì đừng đặt tâm hồn con vào đó" (Tv 61,11).

2 - Trước một sự thật hiển nhiên như thế, chẳng cần chồng chất thêm những chứng cớ trưng dẫn từ Thánh Kinh. Để trình bày những tai họa do của cải mang đến chỉ cần nhắc lại những gì vua Salômôn đã nêu lên trong sách Giảng viên cũng đủ. Vốn rất giàu có và khôn ngoan, vua Salômôn biết rõ điều này, nên đã nói: "Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: Tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát" (Gv 1,14; x. 2,17; 2,16). Và "người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ; kẻ bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì" (Gv 5,9) và "người giữ của lại chuốc họa vào thân" (Gv 5,12). Trong Tin Mừng, Chúa có kể chuyện người nọ đang khi thỏa chí về hoa lợi tích lũy trong nhiều năm thì nghe thấy tiếng phán từ trời cao: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?" (Lc 12,20).

Cuối cùng, vua Đavít cũng chỉ dạy chúng ta điều ấy khi bảo: "Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu, vì khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần" (Tv 48/49,17-18). Đavít giúp ta hiểu rằng nên thương hại hơn là ghen tị với người láng giềng giàu có của ta.

3 - Như thế, người ta chẳng nên vui thỏa vì mình có của hoặc vì anh em mình giàu có, nếu như của cải ấy không giúp mình phụng sự Thiên Chúa. Nếu muốn biết có nên vui thỏa về một chuyện gì đó (chẳng hạn về của cải) hay chăng thì phải hỏi xem chúng có được dùng vào việc phụng sự Thiên Chúa chăng, bằng không thì sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì.

Về các tước vị, địa vị và chức vụ cũng thế... Nếu như chúng không giúp ta phục vụ Thiên Chúa nhiều hơn và tiến tới cuộc sống vĩnh cửu vững chắc hơn, thì vui thỏa vì chúng quả là hão huyền. Nếu ta không thể biết rõ những thứ ấy có giúp ta phục vụ Thiên Chúa nhiều hơn chăng, mà cứ nhất quyết vui thỏa vì chúng thì sự vui thỏa ấy quả là không hợp lý. Như lời Chúa đã phán: "Được lợi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì!" (Mt 16,26). vậy nếu có vui thỏa với những thứ ấy thì cũng chỉ vui thỏa nơi những gì giúp ta phụng sự Thiên Chúa nhiều hơn mà thôi.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 17: Sự vui thỏa

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 17
SỰ VUI THỎA *

Ở đây bắt đầu bàn về sự nghiêng chiều thứ nhất của lòng muốn là sự vui thỏa. Sự vui thỏa là gì và phân loại những điều có thể khiến cho lòng muốn được vui thỏa.

1 - Trong các xúc cảm của linh hồn và nghiêng chiều của lòng muốn trước tiên phải kể đến sự vui thỏa. Sự vui thỏa nói đây chính là sự thích thú của lòng muốn đối với một điều gì nào đó được mến chuộng và phù hợp với nó. Lòng muốn chỉ vui thỏa nơi những gì nó quí chuộng và khiến nó hài lòng.

Đây là thứ vui thỏa mang tính chủ động, trong đó linh hồn hiểu được cụ thể rõ ràng về điều nó vui thích, đồng thời nó cũng được tự do có thể vui hưởng hoặc không. Cũng có thứ vui thỏa khác mang tính thụ động, trong đó lòng muốn vui thích mà chẳng hề hiểu được rõ ràng cụ thể điều mình vui thích — trừ một vài trường hợp — và cũng không được tự do chọn cảm nhận hay không cảm nhận. Chúng tôi sẽ bàn đến thứ vui thỏa thụ động này sau. Còn bây giờ xin bàn đến thứ vui thỏa mang tính chủ động và chủ ý, phát sinh từ những điều cụ thể rõ ràng.

2 - Sự vui thỏa có thể phát sinh từ sáu điều tốt về các mặt: trần tục, tự nhiên, khả giác, luân lý, siêu nhiên và tâm linh. Chúng ta sẽ lần lượt nói đến từng loại, điều chỉnh lòng muốn cho phù hợp với lý trí để một khi không còn bị vướng bận những thứ ấy, lòng muốn sẽ hướng hết năng lực sự vui thỏa của nó vào Thiên Chúa.

Chúng ta cần nêu một nguyên tắc làm nền móng, như một cây gậy để luôn dựa vào. Cần nắm vững nguyên tắc này vì đây là ánh sáng dẫn đường, để am hiểu được học thuyết và để hướng mọi ơn lành ấy vào sự vui thỏa nơi Thiên Chúa. Nguyên tắc này như sau: Lòng muốn chỉ được vui thỏa nơi những gì đem lại danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa; và danh dự lớn lao nhất ta có thể dâng lên là phụng sự Thiên Chúa theo sự hoàn thiện mà Tin mừng đòi hỏi. Ngoài điều ấy ra, mọi thứ đều là vô giá trị và chẳng mang lại lợi ích gì cho con người.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 16: Thanh tẩy lòng muốn (Tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 16
THANH TẨY LÒNG MUỐN * (tiếp theo)

4 - Bốn loại xúc cảm này càng thống trị linh hồn và giao chiến ở đó, lòng muốn sẽ càng bớt tập trung vào Thiên Chúa và càng lệ thuộc vào loài thụ tạo. Lúc ấy linh hồn dễ rơi vào chỗ vui thỏa về những chuyện chẳng đáng mừng, hy vọng những thứ chẳng mang lại lợi ích gì, sầu khổ vì những chuyện lẽ ra phải vui thỏa và hãi sợ cái không đáng sợ hãi.

5 - Những quyến luyến ấy nơi linh hồn nếu không được kìm hãm sẽ nảy sinh đủ mọi nết xấu và bất toàn. Còn nếu chúng đi vào trật tự và hợp lý, mọi nhân đức cũng sẽ nhờ đó phát sinh.

Nên biết rằng khi một trong các xúc cảm ấy được đưa vào trật tự và hòa hợp với lý trí, các xúc cảm còn lại cũng sẽ rập theo như vậy. Cả bốn xúc cảm này của linh hồn kết nghĩa đệ huynh với nhau rất chặt chẽ đến nỗi một trong bốn thực sự tiến tới đâu thì hầu như ba loại kia cũng tiến tới đó, và nếu một trong bốn thực sự thoái lui, hầu như ba loại kia cũng thoái lui theo. Nếu lòng muốn vui thỏa về một điều gì thì cùng lúc và cùng tỉ lệ, nó hẳn phải hy vọng điều đó, và hầu như cũng kèm theo nỗi đau lẫn niềm sợ hãi về điều ấy, còn nếu lòng muốn mất đi sự thú vị đối với chuyện đó thì cũng sẽ mất đi nỗi sợ, niềm đau và hy vọng về chuyện đó.

Lòng muốn cùng với bốn xúc cảm của nó được biểu thị qua hình ảnh bốn con vật mà Êzêkiel đã nhìn thấy. Chúng liên kết trong cùng một thân xác, mỗi con vật có bốn khuôn mặt. Cánh con nọ gắn với cánh con kia; mỗi con đều bước thẳng tới trước và khi tiến tới, chúng không ngoái lại đàng sau (x. Ed 1,8-9). Như thế, các cánh lông của một xúc cảm được gắn với cánh lông của các xúc cảm kia đến nỗi, một xúc cảm - tức cái hoạt động của nó - thực sự hướng mặt về đâu thì hầu như nhất thiết các xúc cảm kia cũng bước theo, khi một xúc cảm bị hạ thấp, như đã nói trên, các xúc cảm còn lại cũng bị hạ thấp theo và khi xúc cảm ấy được nâng lên, các xúc cảm kia cũng được nâng lên theo. Do đó niềm hy vọng của bạn ở đâu thì sự vui thỏa, nỗi sợ và đớn đau của bạn sẽ đi đến đó còn nếu hy vọng lui bước thì những thứ kia cũng lui theo. Trường hợp này cũng đúng cho ba loại xúc cảm vui, sợ và đớn đau.

6 - Phải lưu ý điều này. Một trong những xúc cảm trên đi tới đâu thì toàn thể linh hồn, lòng muốn và các quan năng khác cũng đi theo tới đó. Tất cả các quan năng như cùng bị cầm tù nơi xúc cảm ấy và ba xúc cảm còn lại cùng liên kết với xúc cảm ấy để dùng xích xiềng của chúng khiến linh hồn khổ đau và ngăn cản không cho linh hồn bay đến chốn tự do và an nghỉ trong sự chiêm niệm và nên một trong êm ái. Bởi thế Boece đã nói rằng: "Nếu bạn muốn hiểu được chân lý một cách tỏ tường thì hãy khai trừ khỏi bạn những vui thỏa, hy vọng, sợ hãi và đớn đau" (De consolatione). Thật vậy, bao lâu những xúc cảm ấy thống trị linh hồn chúng sẽ cướp mất sự thư thái và bình an là những thứ cần có để giúp linh hồn đạt được sự khôn ngoan, tự nhiên lẫn siêu nhiên.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 16: Thanh tẩy lòng muốn

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 16
THANH TẨY LÒNG MUỐN *

Bắt đầu bàn về đêm tối của lòng muốn. Phân loại các nghiêng chiều của lòng muốn.

1 - Thanh tẩy trí hiểu để dựng xây đức tin, thanh tẩy dạ nhớ để vun trồng đức cậy cũng chỉ là luống công nếu chúng ta không thanh tẩy luôn lòng muốn vốn liên quan tới nhân đức thứ ba là đức mến. Nhờ đức mến, những việc được làm trong đức tin trở nên sống động và đầy giá trị, bằng không, các việc ấy chẳng có giá trị gì. Như thánh Giacôbê có viết: "Không có các việc làm của đức mến, đức tin sẽ chỉ là đức tin chết" (x. 2,20).

Để bàn về đêm và sự trơ trụi chủ động của lòng muốn nhằm đào luyện và kiện toàn nó về lòng yêu mến Thiên Chúa, chẳng điển chứng nào thích hợp hơn đoạn Thánh Kinh ở sách Đệ Nhị Luật nơi Môsê truyền dạy: "Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực của ngươi" (Đnl 6,5). Lời này hàm chứa tất cả những gì người sống theo tâm linh phải làm và những gì tôi muốn chỉ bảo họ ở đây, ngõ hầu được thực sự đến gần Thiên Chúa trong sự hiệp nhất cùng một lòng muốn với Ngài nhờ vào đức mến. Lệnh truyền này truyền cho ta phải sử dụng mọi quan năng, mê thích, hoạt động cũng như những tình cảm linh hồn dành cho Thiên Chúa tới mức tất cả mọi khả năng và sức mạnh của linh hồn đều dồn hết vào đó, như lời vua Đavít: "Lạy Thiên Chúa là sức mạnh của con, con ngước mắt nhìn Ngài" (Tv 58,10).

2 - Sức mạnh của linh hồn nằm nơi các quan năng, đam mê và mê thích của nó. Tất cả đều do lòng muốn điều động. Khi hướng các quan năng, đam mê và mê thích này về Thiên Chúa và điều khiển chúng xa tránh mọi thứ không phải là Thiên Chúa, lòng muốn duy trì được sức mạnh của linh hồn dành cho Thiên Chúa, do đó, đạt tới chỗ yêu mến Thiên Chúa với tất cả sức lực của mình.

Để linh hồn có thể làm được chuyện này, xin được nói về sự thanh tẩy lòng muốn khỏi tất cả mọi quyến luyến lệch lạc của nó, vốn làm phát sinh các mê thích, cảm tình và hoạt động lệch lạc khiến linh hồn không giữ được toàn vẹn sức lực mình cho Thiên Chúa.

Các nghiêng chiều hay xúc cảm này gồm bốn thứ: Vui thỏa, hy vọng, đớn đau và sợ hãi. Khi ta đặt những xúc cảm ấy dưới tác động của lý trí và qui hướng chúng về Thiên Chúa tới mức linh hồn chỉ vui thỏa hy vọng hay sầu buồn đối với những gì có thể góp phần vào danh dự, vinh quang Thiên Chúa, không hy vọng nơi điều gì khác, chỉ đau buồn về điều xúc phạm đến Thiên Chúa và chỉ biết kính sợ một mình Thiên Chúa, chắc chắn các xúc cảm ấy sẽ được định hướng và giữ được sức mạnh và khả năng của linh hồn cho Thiên Chúa. Vì linh hồn càng vui thỏa về điều gì khác ngoài Thiên Chúa thì sự vui thỏa nó dành cho Thiên Chúa càng yếu nhược, càng đặt hy vọng của nó nơi điều gì khác thì càng ít cậy trông vào Thiên Chúa, về các điểm khác cũng thế...

3 - Để triển khai học thuyết này, chúng tôi sẽ bàn riêng về từng điểm trong bốn xúc cảm và mê thích của lòng muốn. Trên đường tiến đến nên một với Thiên Chúa, ta cần phải thanh tẩy lòng muốn khỏi các quyến luyến và mê thích của nó, để nhờ đó, từ lòng muốn nhân loại thấp hèn, nó trở thành lòng muốn thần linh, nên một với lòng muốn của Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 15: Qui tắc tổng quát cho dạ nhớ

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 15
QUY TẮC TỔNG QUÁT CHO DẠ NHỚ *

Quy tắc ứng xử tổng quát cho người sống theo tâm linh về dạ nhớ.

1 - Để kết thúc phần bàn về dạ nhớ, thiết tưởng nên vắn gọn nêu ra ở đây cho người sống theo tâm linh biết cách ứng xử tổng quát để đạt tới sự nên một với Thiên Chúa theo quan năng này. Đành rằng qua những gì đã nói, họ đã có thể nắm được điều này nhưng việc tóm tắt những gì đã nói sẽ giúp họ hiểu rõ vấn đề hơn.

Xin hãy lưu ý rằng cao vọng của chúng tôi là giúp các linh hồn được nên một với Thiên Chúa từ nơi dạ nhớ và qua đức trông cậy. Điều người ta hy vọng đợi mong là điều người ta chưa có. Càng trần trụi thiếu thốn tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, người ta càng có khả năng và tư cách để trông chờ, hy vọng, càng có đức trông cậy. Ngược lại, càng có được nhiều, người ta càng mất khả năng và thiên khiếu để mong chờ, càng ít đức trông cậy. Cho nên linh hồn càng loại trừ khỏi dạ nhớ những hình sắc và những điều tiếc nhớ xa lạ với Thiên Chúa, càng nhận chìm dạ nhớ vào Thiên Chúa. Quan năng này càng trống rỗng càng hy vọng được Thiên Chúa lấp đầy. Như vậy, để sống trong đức trông cậy vẹn toàn và thuần khiết nơi Thiên Chúa, điều ta phải làm là, bất cứ khi nào thấy có những nhận thức, hình sắc và hình ảnh cụ thể xuất hiện thì không được dừng lại đó nhưng hãy trút sạch hết khỏi dạ nhớ và lập tức hướng linh hồn về Thiên Chúa với lòng yêu mến. Ta sẽ không còn tưởng nghĩ hoặc ngó ngàng gì tới những chuyện ấy ngoài cái tối thiểu cần thiết để hiểu và làm những gì mình thực sự có nghĩa vụ phải làm. Phải tránh đừng lưu luyến hoặc thích thú gì đối với những chuyện ấy, để chúng khỏi làm cho linh hồn bị dính bén. Như thế, người ta không bị buộc phải thôi tưởng nghĩ hoặc nhớ đến những điều họ phải làm, phải biết, bởi lẽ một khi người ta không còn tình cảm lưu luyến hoặc muốn chiếm hữu, thì những điều ấy chẳng còn gây được thiệt hại gì cho họ. Những châm ngôn ghi trên hình vẽ Ngọn núi ở đầu sách, được nhắc lại nơi chương 13 của quyển thứ nhất, có thể giúp ta rất nhiều khi thực tập điểm này.

2 - Tuy nhiên xin lưu ý là không phải vì thế mà chúng tôi dung hợp, hoặc định dung hợp học thuyết chúng tôi với cái lý thuyết ôn dịch của một số người, do bị quỷ kiêu ngạo và ghen tị thuyết phục, đã muốn ngăn cản không cho các tín hữu sử dụng cũng như tôn kính ảnh tượng của Chúa và các thánh, mặc dù đó là việc thánh thiện, cần thiết và cũng đã quen từ xưa nay. Học thuyết chúng tôi rất khác biệt với thứ lý thuyết đó. Khác với họ, chúng tôi không cho rằng không được sử dụng và tôn kính ảnh tượng. Chúng tôi chỉ muốn giúp người ta hiểu được sự khác biệt giữa các ảnh tượng ấy với Thiên Chúa, hiểu rằng phải vượt lên những nét khắc họa, đừng để chúng ngăn cản mình đạt tới đối tượng sống động và chỉ quan tâm tới chúng trong mức độ chúng giúp ta đạt tới đối tượng thiêng liêng ấy.

Bởi lẽ tựa như phương thế là tốt và cần thiết để đạt mục đích, ảnh tượng cũng giúp chúng ta tưởng nhớ đến Chúa và các thánh. Nhưng một khi bám víu và dừng lại ở phương thế nhiều hơn mức cần thiết thì phương thế sẽ gây cản trở và làm trệch đường, như vẫn thường thấy trong bất cứ chuyện nào khác. Song đối với vấn đề tôi đang nhấn mạnh ở đây sự cản trở này còn trầm trọng hơn bởi nó liên quan tới các thị kiến và hình ảnh siêu nhiên là những thứ thường gây ra nhiều chuyện lừa phỉnh và hiểm nguy.

Bởi lẽ không thể có chuyện lừa bịp hay nguy hiểm trong việc tưởng nhớ, tôn kính hoặc quý chuộng các ảnh tượng mà Hội thánh Công giáo đề ra cho chúng ta xét theo lẽ tự nhiên, vì nơi các ảnh tượng ấy người ta chỉ quý chuộng cái thực tại mà chúng diễn tả. Việc tưởng nhớ các ảnh tượng hẳn sẽ sinh ích cho linh hồn vì nó gắn liền với tình yêu đối với thực tại mà các ảnh tượng ấy diễn tả. Miễn là linh hồn không lưu tâm đến ảnh tượng vì ảnh tượng, chúng sẽ giúp cho linh hồn nên một với Thiên Chúa. Từ bức họa bức hình, linh hồn sẽ bay lên tới vị Thiên Chúa sống động, lãng quên hết mọi thụ tạo và những thứ thuộc về thụ tạo.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 14: Những nhận thức tâm linh nơi dạ nhớ

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 14
NHỮNG NHẬN THỨC TÂM LINH NƠI DẠ NHỚ *

Chương này bàn về những nhận thức tâm linh có thể lọt vào dạ nhớ.

1 - Các nhận thức tâm linh được chúng tôi xếp vào loại ba của những nhận thức thuộc dạ nhớ, chẳng phải vì chúng thuộc giác quan thể chất của óc sáng tạo vẽ vời như những nhận thức khác - bởi chúng không mang hình ảnh hay hình sắc thể chất - nhưng vì chúng cũng nằm dưới ảnh hưởng của hồi niệm và ký ức tâm linh (dạ nhớ). Thật vậy, khi một điều gì thuộc loại ấy đã lọt vào linh hồn thì lúc nào muốn nhớ đến, linh hồn có thể hồi tưởng lại. Được như thế, không phải là vì sự nhận thức ấy giữ lại dấu vết hay hình ảnh nơi giác quan thể chất (bởi lẽ, như đã nói, các giác quan thể chất không có khả năng đối với các hình sắc tâm linh), nhưng chính là nhờ linh hồn nhớ lại điều ấy bằng trí hiểu và tâm linh thông qua cái hình sắc vẫn còn in trong linh hồn (đây cũng là cái hình sắc, nhận thức hoặc hình ảnh mang tính tâm linh hay mô thức nhờ đó linh hồn hồi tưởng lại) hoặc qua cái hiệu quả nó tạo ra. Vì lẽ đó, tôi xếp những nhận thức này vào số những nhận thức thuộc dạ nhớ mặc dù chúng không thuộc về những nhận thức của óc sáng tạo vẽ vời.

2 - Những nhận thức ấy ra sao và linh hồn phải xử sự nơi chúng cách nào để đạt đến sự nên một với Thiên Chúa, chúng tôi đã trình bày đầy đủ ở quyển 2, chương 24, tại đó chúng tôi đã bàn về chúng như những nhận thức của trí hiểu.Xin xem lại chương ấy vì ở đó chúng tôi đã phân biệt rõ hai loại nhận thức tâm linh, một loại liên can đến Đấng Tạo Hóa, một loại liên can tới những thực tại thụ tạo.

Giờ đây ta thử xem dạ nhớ phải xử sự thế nào để đạt tới ơn nên một. Ở chương trước chúng tôi vừa bàn về những nhận thức minh nhiên, những nhận thức liên can tới những thực tại thụ tạo thuộc loại này. Khi những hình ảnh ấy đem lại kết quả tốt, ta có thể hồi tưởng đến chúng, chẳng phải vì lưu luyến muốn giữ chúng lại nhưng là để giục lòng yêu mến Thiên Chúa và thêm hiểu biết về Thiên Chúa. Còn nếu sự hồi tưởng chẳng đem lại kết quả tốt nào thì đừng bao giờ nên ao ước nhớ tới chúng làm gì.

Còn những nhận thức liên can đến những thực tại thuộc về Thiên Chúa, tôi xin nói rằng ta nên hồi tưởng đến chúng nhiều hết sức, vì chúng sẽ tạo nên một hiệu quả rất lớn. Bởi lẽ như trên kia đã nói, đây là những sự vuốt ve âu yếm và những cảm nghiệm tâm linh khi được nên một với Thiên Chúa, là đích điểm mà chúng tôi muốn đưa linh hồn đạt tới. Dạ nhớ đừng tìm hồi tưởng đến những điều ấy qua một hình sắc, hình ảnh hay hình dạng nào đã được in vào linh hồn, bởi lẽ những sự vuốt ve âu yếm và cảm nghiệm nên một với Đấng Tạo Hóa như thế không liên quan gì đến chúng. Hãy hồi tưởng qua cái hiệu quả chúng tạo ra trong linh hồn, như ánh sáng, tình yêu, niềm hoan lạc và sự đổi mới tâm linh. Cứ mỗi lần linh hồn hồi tưởng như thế, một điều gì đó trong hiệu quả ấy sẽ lại trở nên mới mẻ.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 13: Được tự do đến với Chúa (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 13
ĐƯỢC TỰ DO ĐẾN VỚI CHÚA * (tiếp theo)

7 - Những hình ảnh gây nên các hiệu quả nói trên thường được khắc ghi nơi linh hồn rất sâu đậm, khác hẳn những hình sắc và hình ảnh khác được lưu trữ trong óc sáng tạo vẽ vời. Do đó khi muốn nhớ lại những thứ ấy, linh hồn chẳng cần nhờ đến trí tưởng tượng hay óc sáng tạo. Linh hồn biết chúng đang có sẵn nơi mình, chẳng khác nào hình ảnh lộ ra trong tấm gương. Khi linh hồn có được những hình ảnh ấy nơi mình cách minh nhiên, nó rất có thể hồi tưởng đến chúng để có được cái hiệu quả tình yêu đã nói. Những hình dạng này không cản trở linh hồn nên một (với Thiên Chúa) trong đức tin, miễn là linh hồn không ao ước đắm mình trong hình ảnh ấy nhưng mau mắn buông bỏ nó để chỉ tìm ơn ích của tình yêu. Bằng cách ấy, sự hồi tưởng sẽ có lợi cho linh hồn.

8 - Thật khó mà phân biệt được khi nào các hình ảnh này được in vào linh hồn, khi nào được in vào óc sáng tạo vẽ vời. Bởi lẽ những hình ảnh của óc sáng tạo vẽ vời cũng có mặt rất thường xuyên. Một số người thường thấy những thị kiến hình ảnh nơi trí tưởng tượng và óc sáng tạo vẽ vời của họ nghiệm ra rằng chúng rất thường xuất hiện theo cùng một cách thức. Có thể là do nơi họ khả năng tưởng tượng quá mạnh, chỉ cần một ý tưởng nhỏ là lập tức một biểu tượng thông thường liền xuất hiện và thêu dệt ra nơi óc sáng tạo vẽ vời của họ, cũng có thể là do ma quỷ gây ra, mà cũng có thể là do Thiên Chúa đưa đến mà không cần in chúng vào linh hồn một cách thực thụ.

Tuy nhiên, có thể dựa trên kết quả để phân biệt nguồn gốc những hình ảnh nói trên. Khi chúng chỉ là những hình ảnh tự nhiên hoặc do ma quỷ, thì dù có lặp đi lặp lại đến mấy đi nữa, chúng vẫn không đem lại kết quả tốt nào cho linh hồn, cũng không làm đổi mới tâm linh. Đó chỉ là một hình ảnh cằn cỗi và vô ích. Đang khi đó, những hình ảnh đến từ Thiên Chúa, hễ cứ nhớ đến là chúng liền đem lại kết quả tốt như kết quả linh hồn nhận được lần đầu tiên. Còn những hình ảnh đã in vào linh hồn một cách thực thụ thì, mỗi khi người ta nhớ lại chúng, chúng luôn phát sinh một kết quả tốt nào đó.

9 - Đối với những người đã có kinh nghiệm thì sẽ dễ dàng phân biệt được hai loại hình ảnh ấy, bởi vì giữa chúng có sự khác biệt rất rõ ràng. Tôi chỉ xin thêm rằng các hình ảnh được in vào linh hồn cách thực thụ trong khoảng thời gian lâu dài thì rất hiếm thấy. Tuy nhiên dù chúng thuộc loại nào, tốt nhất là linh hồn chẳng nên ước ao lãnh hội bất cứ điều gì ngoại trừ lãnh hội về Thiên Chúa, bằng đức tin và trong đức cậy.

Về điểm cuối trong lời phản bác, bảo rằng quả là kiêu căng nếu dẹp bỏ hết những điều ấy khi chúng do Thiên Chúa mà đến. Tôi xin thưa rằng đó mới chính là khiêm nhường, khôn ngoan, khi biết vận dụng những hình ảnh ấy theo cách thức tốt nhất - như tôi đã nói - và để cho mình được hướng dẫn theo nẻo đường an toàn nhất.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 13: Được tự do đến với Chúa (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 13
ĐƯỢC TỰ DO ĐẾN VỚI CHÚA * (tiếp theo)

5 - Những lời nói của Đức Lang Quân đã trưng dẫn ở trên cũng được hiểu về tình yêu chàng đòi hỏi Tân Nương, bởi tình yêu có phận vụ đồng hóa những kẻ yêu nhau nơi những gì cốt yếu của họ. Vì thế chàng mới bảo nàng "hãy đặt chàng như chiếc ấn trên tim nàng" (x. Dc 8,6), nơi mà mọi mũi tên tình ái (tức là mọi hành vi và động lực của tình yêu) nhắm tới. Như thế mọi mũi tên đều đạt tới Tình Quân vì chàng là mục tiêu của chúng. Chàng muốn tất cả đều dành cho chàng và rồi linh hồn được nên giống chàng nhờ những hành vi và động lực của tình yêu cho tới khi được biến đổi nên chàng. Và chàng bảo nàng cũng "hãy đặt chàng như chiếc ấn trên cánh tay nàng" (x. Dc 8,6) bởi nơi cánh tay diễn ra thao tác của tình yêu và chính nơi đó Đức Lang Quân tìm được sự đỡ nâng và hoan lạc.

6 - Do đó, đối với mọi nhận thức từ trên ban xuống cho linh hồn, dù thuộc tuởng tượng hay thuộc loại khác, dù đó là thị kiến, lời nói, tâm tình hay mạc khải, tất cả tóm lại đều chỉ là văn từ và lớp vỏ (là cái dùng để ám chỉ, diễn tả, giúp nguời ta hiểu) linh hồn không được chú tâm đến mà mà chỉ nên chú trọng xem mình có được lòng yêu mến Chúa mà những điều ấy gây ra trong linh hồn hay không. Phải chú trọng đến các tâm tình theo cách này chứ không được chú trọng đến thứ hương vị hay sự ngọt ngào hay các hình dạng, nghĩa là chỉ chú trọng đến các tâm tình yêu thuơng chúng đã làm phát sinh mà thôi.

Để làm mới lại thành quả ấy và nhằm thúc đẩy tâm hồn thêm lòng yêu mến, thỉnh thoảng có thể hồi tưởng đến một hình ảnh hoặc một nhận thức đã làm phát sinh tình yêu. Mặc dù việc nhớ lại không gây được hiệu quả mạnh mẽ như trong lần đầu được thông ban nhưng vẫn làm cho tình yêu nên mới mẻ và vẫn nâng tâm trí lên với Thiên Chúa nhất là khi nhớ lại những hình dạng, hình ảnh hoặc tâm tình siêu nhiên vốn đã thường được khắc sâu vào linh hồn đến độ lưu lại một thời gian lâu dài trong đó, thậm chí một số điều không bao giờ bị xóa nhòa. Mỗi lần linh hồn nhìn ngắm những điều được khắc ghi ấy, chúng đều tạo nên những hiệu quả thần linh đầy yêu thương, ngọt ngào, chói sáng vv... ở những mức độ khác nhau. Đó chính là mục đích, là lý do tại sao những điều nói trên được khắc sâu vào linh hồn. Ai được Thiên Chúa ban cho điều ấy thì quả là đã có được nơi mình cả một “mỏ” hồng ân.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 13: Được tự do đến với Chúa (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 13
ĐƯỢC TỰ DO ĐẾN VỚI CHÚA * (tiếp theo)

3 - Để giải tỏa khúc mắc trên, cần lưu ý đến những gì chúng tôi đã nói ở các chương 15 và 16 của quyển II, trong đó chúng tôi đã trả lời phần lớn cho điểm hoài nghi này. Tại các chương ấy, chúng tôi đã nói rằng các ơn lành dào dạt nơi linh hồn từ những nhận thức siêu nhiên phát xuất từ Thiên Chúa vẫn được thực hiện cách thụ động ngay lúc những nhận thức ấy được đề ra cho giác quan mà các quan năng không cần phải hoạt động gì cả.

Do đó, lòng muốn không cần phải làm một động tác nào để đón nhận chúng. Nếu linh hồn muốn hành động bằng các quan năng của nó, với hành động thấp hèn tự nhiên của nó, nó sẽ chẳng rút ra được lợi ích nào từ việc tập luyện của nó mà chỉ ngăn cản công cuộc siêu nhiên Thiên Chúa đang dùng những nhận thức ấy để thực hiện nơi linh hồn. Thiên Chúa đã ban cho linh hồn những nhận thức tưởng tượng ấy cách thụ động, thì linh hồn cũng phải xử sự nơi những nhận thức ấy cách thụ động, không can thiệp chút gì vào những hành động bên trong hay bên ngoài của chúng.

Với thái độ ấy, linh hồn giữ vẹn được các tâm tình về Thiên Chúa, không đánh mất chúng vì cách thức hoạt động thấp hèn của nó. Đó cũng đúng là linh hồn không dập tắt Thần khí; bởi nó chỉ dập tắt Thần khí khi nào nó muốn xử sự khác với cách Thiên Chúa hướng dẫn. Nghĩa là trong khi Thiên Chúa ban Thần khí cho linh hồn một cách thụ động như Ngài vốn thực hiện nơi những nhận thức này, thì linh hồn lại muốn xử sự nơi các nhận thức ấy một cách chủ động qua việc dùng trí hiểu để làm hoặc ao ước một chuyện gì đó nơi chúng.

Thật đây là điều rõ ràng: Bởi nếu lúc bấy giờ linh hồn muốn hành động thì nhất thiết công việc của nó cũng không thể vượt quá bình diện tự nhiên. Bởi tự nó, linh hồn không thể nào làm hơn. Nó không tự di chuyển cũng không thể tự di chuyển vào lãnh vực siêu nhiên, trừ phi Thiên Chúa lay chuyển và đặt nó vào đó. Như thế, nếu linh hồn muốn nỗ lực hành động theo chừng mực của nó, thì công việc chủ động ấy sẽ ngăn cản công việc thụ động Thiên Chúa đang thông ban cho nó tức là thần khí. Linh hồn đã tự đặt mình vào công việc riêng của nó là thứ công việc khác loại và thấp kém hơn công việc Thiên Chúa thông ban cho nó; bởi công việc của Thiên Chúa mang tính cách thụ động và siêu nhiên, còn công việc của linh hồn có tính cách chủ động và tự nhiên. Thứ công việc tự nhiên này sẽ dập tắt Thần khí.

4 - Rõ ràng là công việc của linh hồn bao giờ cũng thấp kém hơn. Các quan năng của linh hồn chỉ có thể tự mình có được cân nhắc và hành động trên một hình sắc, hình dáng hay hình ảnh nào đó. Những thứ này chỉ là lớp vỏ và là tùy thể bao bọc cái bản thể tâm linh.

Điều thuần túy tâm linh này chỉ chịu nên một với các quan năng của linh hồn trong sự hiểu biết và tình yêu đích thực với điều kiện hoạt động của các quan năng ấy ngưng lại. Hoạt động này không nhắm điều gì khác hơn là được nhận lãnh nơi linh hồn chính bản thể của điều được hiểu biết và yêu mến nơi những hình sắc ấy. Như thế, sự khác biệt giữa hoạt động chủ ý (chủ động) và đón nhận thuận tình (thụ động) chỉ là khác biệt giữa điều nguời ta đang cố thực hiện và điều đã được thực hiện, giữa điều nguời ta đang gắng đạt tới và điều đã đạt tới rồi.

Từ đó, có thể suy ra rằng, nếu linh hồn muốn chủ động vận dụng các quan năng để có được những nhận thức siêu nhiên mà Thiên Chúa đã có sáng kiến ban cho (và linh hồn chỉ thụ động đón nhận — ND) thì khác nào bỏ đi điều đã được làm để quay về gắng sức làm lại chính điều đó. Rồi linh hồn sẽ chẳng vui hưởng được điều đã được Chúa làm mà cũng chẳng làm nên trò trống gì với các hoạt động của nó ngoài việc cản ngăn điều đã được Chúa làm. Như chúng tôi đã nói, các quan năng ấy không thể nào đạt nổi ơn thần khí Thiên Chúa đã ban cho linh hồn mà không cần gì đến thao tác nào của chúng. Như thế nếu linh hồn biến chúng thành một thứ vốn liếng thì sẽ là trực tiếp dập tắt thần khí mà Thiên Chúa tuôn đổ qua những nhận thức nói trên.

Vậy linh hồn phải buông bỏ những nhận thức ấy bằng cách làm ngơ đừng đếm xỉa gì đến chúng. Lúc ấy Thiên Chúa sẽ nâng linh hồn lên đến chỗ nó không sao đạt nổi và cũng chẳng ngờ đến. Vì thế, một vị ngôn sứ đã nói: "Tôi sẽ ra đứng ở chòi canh, đứng gác trên tường lũy canh chừng xem Người nói với tôi điều gì và đáp lại nỗi bất bình của tôi ra sao!" (Kb 2, 1). Như thể ông muốn nói: Tôi tỉnh thức canh chừng các quan năng của tôi để không tiến bước trong các hoạt động của tôi, nhờ đó tôi có thể chiêm nghiệm được những gì người ta nói cùng tôi, tức là hiểu và nếm cảm được những gì đã thông ban cho tôi cách siêu nhiên.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 13: Được tự do đến với Chúa

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 13
ĐƯỢC TỰ DO ĐẾN VỚI CHÚA *

Chương này bàn về những lợi ích linh hồn gặt hái được khi xa lánh những nhận thức của trí tưởng tượng. Trả lời cho một vấn nạn và nêu rõ sự khác biệt giữa những nhận thức tưởng tượng tự nhiên và siêu nhiên.

1 - Tương tự như điều đã nói khi bàn về các hình sắc tự nhiên, nếu linh hồn muốn lưu giữ các hình sắc tưởng tượng, nó sẽ gặp phải năm thứ thiệt hại, còn nếu biết giải trừ các hình sắc ấy khỏi trí tưởng tượng cũng mang lại cho linh hồn nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích này, còn có những lợi ích khác là sự nghỉ ngơi an tĩnh mênh mông cho tâm linh. Bên cạnh sự nghỉ ngơi an tĩnh linh hồn tự nhiên được hưởng khi thoát khỏi các ảnh tượng và hình sắc, linh hồn còn tránh được nỗi lo âu thắc mắc không hiểu các hình sắc, ảnh tượng ấy tốt hay xấu và ở mỗi trường hợp phải ứng xử thế nào. Linh hồn cũng khỏi phải chán chường mệt mỏi vì mất thời gian với các linh hướng để xét xem chúng tốt hay xấu, thuộc loại này hay loại kia. Linh hồn chẳng bận tâm vì chẳng xem trọng bất cứ thứ nhận thức nào nói trên.

Thế là, thay vì xài phí thời gian và năng lực để tìm hiểu các chuyện ấy, linh hồn có thể chuyên chăm vào một việc tập luyện tốt và hữu ích hơn: đó là tập cho lòng muốn phục tùng Thiên Chúa, chuyên lo tìm kiếm sự trơ trụi và nghèo khó tâm linh lẫn giác quan. Sự trơ trụi và nghèo khó này thể hiện qua việc tự nguyện để cho mình bị tước đoạt hết mọi nâng đỡ và mọi an ủi bên trong lẫn bên ngoài. Người ta sẽ hoàn tất tốt đẹp việc tập luyện này bằng cách ao ước và cố gắng lìa xa những hình sắc nói trên bởi nhờ đó họ sẽ được một lợi ích lớn lao là tiến gần tới Thiên Chúa là Đấng vốn chẳng hề có hình ảnh, hình sắc hoặc hình dạng gì cả. Họ càng xa lìa mọi hình sắc, hình ảnh hoặc hình dạng tưởng tượng thì càng đến gần Thiên Chúa hơn.

2 - Có lẽ bạn sẽ hỏi: Vậy tại sao nhiều người sống theo tâm linh lại khuyên nên tận dụng những thông giao và tâm tình Thiên Chúa ban và hãy ao ước lãnh nhận ơn lành từ nơi Thiên Chúa để có cái mà dâng cho Ngài, bởi lẽ nếu Thiên Chúa không ban cho chúng ta, chúng ta lấy gì mà dâng cho Ngài? Vả lại, thánh Phaolô có nói: "Đừng dập tắt Thần khí" (1Tx 5, 19); hoặc Đức Lang Quân cũng nói với Tân Nương: "Hãy đặt tôi như chiếc ấn trên tim, như chiếc ấn trên cánh tay người" (Dc 8,6). Chiếc ấn này có khác gì một loại nhận thức nào đó. Thế mà theo học thuyết được cống hiến trên đây, chẳng những không được tìm kiếm tất cả những thứ ấy, mà còn phải từ chối chúng, dầu chúng được Thiên Chúa gửi tới! Mà Thiên Chúa đã ban cho ta là ban điều tốt và điều ấy sẽ tạo ra hậu quả tốt, thì lẽ nào ta lại vất bỏ các viên ngọc cách phí phạm? (x. Mt 7,6) Làm như vậy, khác nào kiêu ngạo không muốn nhận các điều Thiên Chúa ban, như thể chúng ta có thể tự mình sinh lợi ích mà chẳng cần tới những thứ ấy vậy!

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 12: Nguy cơ đánh giá thấp về Thiên Chúa

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 12
NGUY CƠ ĐÁNH GIÁ THẤP VỀ THIÊN CHÚA *

Chương này bàn về thiệt hại thứ năm linh hồn có thể mắc phải qua các hình sắc và nhận thức tưởng tượng siêu nhiên: Đó là đoán định về Thiên Chúa cách thấp kém và không xứng hợp.

1 - Điều thiệt hại thứ năm không nhỏ. Nó xảy đến khi linh hồn muốn giữ lại trong dạ nhớ và trí tưởng tượng những hình sắc và hình ảnh nói trên về những điều được thông ban cách siêu nhiên, nhất là nếu họ muốn lấy đó làm phương thế để đạt tới ơn nên một với Thiên Chúa. Như thế họ sẽ rất dễ đi đến chỗ đoán định về hữu thể siêu việt của Thiên Chúa cách thấp kém, không xứng với tính cách cao vời không thể hiểu thấu của Ngài. Cho dù lý trí và trí phán đoán không minh nhiên quan niệm rằng Thiên Chúa có chút gì giống như điều đã nhận thức, nhưng việc đánh giá cao những nhận thức ấy sẽ khiến linh hồn không còn xem trọng và cảm nghĩ về Thiên Chúa xứng với sự cao cả của Ngài như đức tin đã dạy bảo, rằng Thiên Chúa là hữu thể khôn sánh và không thể hiểu thấu vv...

Tất cả những gì linh hồn đã đặt vào thụ tạo, nó không dành cho Thiên Chúa nữa. Ngoài ra, qua việc coi trọng những điều có thể nhận thức được như thế, tự nhiên linh hồn còn tạo ra bên trong nó một kiểu so sánh nào đó giữa những nhận thức ấy và Thiên Chúa, khiến không còn đoán định và quý trọng Thiên Chúa cách cao vời cho thích đáng. Bởi vì các loài thụ tạo, dù dưới đất hoặc trên trời, cũng như mọi nhận thức và ảnh tượng cụ thể tự nhiên lẫn siêu nhiên có thể rơi được vào các quan năng của linh hồn, thì dù cao siêu mấy ở đời này, vẫn không thể nào sánh với hữu thể Thiên Chúa. Như lời các thần học gia, Thiên Chúa không thuộc bất cứ chủng loại nào, đang khi các thụ tạo phải có chủng loại. Phần linh hồn, bao lâu còn ở đời này, nó không thể lãnh hội cách rõ ràng và minh bạch những gì không thuộc phạm trù chủng loại. Vì thế thánh Gioan đã nói: "Chưa từng có người nào xem thấy Thiên Chúa" (Ga 1,18) và ngôn sứ Isaia cũng nói: "Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy. Có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế" (Is 64,3). Và Thiên Chúa đã phán với Môsê rằng ông sẽ không thể trông thấy Ngài khi ông còn ở đời này (x. Xh 33,20).

Do đó, người nào gây xáo trộn dạ nhớ và các quan năng khác của linh hồn bằng những thứ họ có thể hiểu được thì không thể quý trọng Thiên Chúa hay cảm nghĩ về Ngài cho thích đáng.

2 - Chúng tôi xin đưa ra một so sánh nhỏ: nếu một ai đó chỉ dán mắt vào đám tôi tớ của nhà vua thì, càng chú tâm đến họ, người ấy càng ít lưu tâm đến đức vua và càng ít quý trọng ngài. Sự đánh giá không diễn ra rõ ràng lộ liễu nơi trí hiểu nhưng đã thể hiện qua việc làm, vì càng chú tâm vào đám tôi tớ, người ấy càng bớt chú tâm vào chủ nhân và như thế là không coi trọng đức vua là chủ của mình. Khi linh hồn coi trọng các vật thụ tạo nói trên thì cũng đã cư xử với Thiên Chúa y hệt như vậy. Việc so sánh này vẫn rất khập khiễng, bởi lẽ hữu thể Thiên Chúa khác xa mọi thụ tạo của Ngài đến vô tận. Dù sao, vẫn phải kết luận rằng linh hồn cần thôi dán mắt vào các thụ tạo hoặc bất cứ hình sắc nào của chúng để có thể tập trung cái nhìn vào Thiên Chúa trong đức tin và đức cậy.

3 - Do đó, những người không những coi trọng các nhận thức tưởng tượng nói trên mà còn nghĩ rằng Thiên Chúa giống với đôi điều trong những chuyện ấy đồng thời họ có thể nhờ chúng mà nên một với Thiên Chúa thì quả là lầm to. Làm thế, trí hiểu của họ sẽ ngày càng đánh mất ánh sáng đức tin mà chỉ nhờ đó họ mới được nên một với Thiên Chúa. Họ cũng sẽ không vươn lên được tới chỗ cao vượt của đức cậy nhờ đó dạ nhớ được nên một với Thiên Chúa nơi đức cậy. Chỉ khi nào tách mình khỏi những gì thuộc về tưởng tượng, người ta mới đạt được sự nên một ấy.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)