Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 22: Nơi những điều tốt tự nhiên (2)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 22
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN (2)

Chương này bàn về những thiệt hại linh hồn phải gánh chịu khi để cho lòng muốn đặt sự vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên.

1 - Phần lớn thiệt hại và lợi ích tôi đang trình bày nơi những sự vui thỏa này đều chung cho mọi thứ vui thỏa, đều là hậu quả trực tiếp của một vui thỏa nào đó hoặc của sự khước từ cái vui thỏa ấy. Vì thế, ở mỗi loại, tôi đều nói đến cả hại và lợi vốn cũng có nơi các loại khác.

Tuy nhiên, chủ ý của tôi là nói lên những thiệt hại và lợi ích riêng biệt theo từng loại vui thỏa do thái độ chiều theo hay khước từ của linh hồn. Tôi gọi những thiệt hại và lợi ích ấy là riêng biệt bởi chúng nảy sinh trực tiếp và chính yếu từ một loại sự vui thỏa nào đó, đang khi chỉ gián tiếp và thứ yếu từ một loại sự vui thỏa khác.

Chẳng hạn sự nguội lạnh tâm linh trực tiếp phát sinh từ mọi loại và mỗi loại vui thỏa do đó, tệ hại này là chung cho cả sáu loại vui thỏa tôi sẽ nói. Còn tà dâm là một tệ hại riêng biệt, chỉ đi theo sự vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên thuộc thể xác mà chúng ta đang bàn.

2 - Như vậy khi linh hồn tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên, sẽ có những tệ hại tâm linh và thể chất phát sinh trực tiếp và hữu hiệu nơi linh hồn, được thu gọn vào sáu loại chính như sau:

Thứ nhất là thói ham danh, tự phụ, kiêu căng và khinh người. Ta không thể dành cho một vật sự trìu mến trổi vượt mà lại không xem nhẹ các vật khác. Ít ra cũng có một sự chê bai các vật khác vì theo lẽ tự nhiên, khi coi trọng một vật gì, trái tim sẽ rút lui khỏi những sự vật khác để tập trung vào sự vật được quí chuộng. Rồi từ chỗ thực sự xem thường ấy, người ta dễ dàng rơi vào chỗ khinh chê một số sự vật khác một cách riêng biệt hay chung chung, không những trong lòng mà còn biểu hiện nơi đầu miệng lưỡi bằng những câu nói: "Người này chẳng như người kia, người nọ; sự này chẳng được như sự nọ, sự kia... ".

Tệ hại thứ hai là kích thích giác quan tìm thỏa thích, vui khoái điều nhục cảm, dâm ô.

Tệ hại thứ ba là khiến người ta rơi vào chỗ thích được nịnh bợ với những lời tán tụng hoa mỹ giả dối hão huyền như lời ngôn sứ Isaia: "Ôi dân Ta, những kẻ dẫn dắt ngươi làm ngươi lạc hướng, đường lối ngươi đi, chúng làm cho rối loạn!" (Is 3,12). Những lời khen ngợi nét duyên dáng và sắc đẹp có thể là chân thực, nhưng rất hiếm khi nó không để lại một điều tệ hại ẩn giấu nào đó hoặc khiến người được ca tụng rơi vào sự thỏa mãn vui sướng hão huyền, dẫn đến những tình cảm và ý hướng bất toàn.

Tệ hại thứ tư mang tính tổng quát, bởi lý trí và trí phán đoán trở thành quá cùn nhụt và khi tìm vui thỏa đối với của cải trần tục càng thêm cùn nhụt hơn. Bởi lẽ những điều tốt tự nhiên còn thân thiết với người ta hơn những điều tốt trần tục. Những điều tốt tự nhiên gây ra một ấn tượng hiệu lực hơn, mau chóng hơn và cuốn hút mãnh liệt hơn. Do đó, lý trí và trí phán đoán không còn được tự do nhưng hóa thành mù mịt do niềm vui thân thiết ấy kích động.

Từ đó phát sinh tệ hại thứ năm là sự lo ra chia trí hướng về các loại thụ tạo.

Rồi từ đây lại phát sinh ra sự nguội lạnh và yếu đuối về mặt tâm linh là tệ hại thứ sáu. Đây là một tác hại chung và thường tiến rất xa đến độ khiến người ta chán ngấy và buồn bực đối với những chuyện thuộc về Thiên Chúa, thậm chí còn ghê sợ!

Do tìm thứ vui thỏa này, thế nào người ta cũng đánh mất đi cái nhiệt tình đích thật ít ra ở vào bước đầu. Nếu lúc này còn chút nhiệt tình nào thì cũng sẽ nặng phần cảm tính và rất thô thiển, ít mang tính tâm linh, ít sâu lắng. Nó tập trung vào thích thú cảm giác hơn là sức mạnh tâm linh. Tinh thần trở nên thấp hèn yếu nhược đến mức chẳng dập tắt được cái thói quen của thứ vui thỏa như thế. Chỉ nguyên việc có thói quen bất toàn ấy đủ ngăn cản nhiệt tình đích thật, cho dầu người ta không ưng thuận các động tác của sự vui thỏa ấy. Tinh thần sống trong sự yếu nhược của giác quan nhiều hơn trong sức mạnh của tâm linh. Mỗi khi dịp tội xảy đến, tinh thần sẽ thấy rõ mình chưa được hoàn thiện và mạnh mẽ. Tôi không phủ nhận rằng nhiều nhân đức vẫn có thể cùng tồn tại với những thứ bất toàn đáng kể, nhưng nếu không chịu dập tắt thứ vui thỏa này thì không thể nào có được thứ tâm linh sâu lắng, tinh tuyền và ý nhị, bởi lẽ nơi đây "xác thịt" đã làm chủ và chống lại thần khí (x. Ga 5,17); vậy mặc dù tâm linh không nhận thấy được mình bị thiệt hại tới mức nào thì ít ra mối tệ hại ấy vẫn kín đáo gây ra một sự lo ra chia trí nào đó.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: