Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 19: Của cải trần tục (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 19
CỦA CẢI TRẦN TỤC * (tiếp theo)

8 - Mức độ thứ tư của tệ hại gây mất mát này được ghi nơi câu cuối của trích dẫn nêu trên: "Nó đã xa lìa Thiên Chúa, Núi Đá độ trì nó" (Đnl 32,15). Người ta rơi xuống đây từ mức độ thứ ba vừa đề cập. Vì mê của cải trần tục, linh hồn kẻ ham hố chẳng còn lưu tâm đến lề luật Chúa. Nó xa lìa Thiên Chúa cả nơi dạ nhớ, trí hiểu và lòng muốn. Nó quên bẵng Thiên Chúa như thể Ngài không phải là Thiên Chúa của nó. Sở dĩ thế là vì linh hồn đã tạo nên những thần tượng bằng vàng bạc và của cải trần tục, như lời thánh Phaolô: "Tính tham lam đồng nghĩa với tôn thờ ngẫu tượng" (Cl 3,5). Mức độ thứ tư này đưa người ta đến chỗ lãng quên Chúa, thay vì hướng hết tâm hồn về Thiên Chúa, họ thật sự đặt hết tâm huyết vào vàng bạc như thể không có một vị Chúa Tể nào khác ngoài vàng bạc.

9 - Thuộc về mức độ thứ tư này là những kẻ không ngần ngại bắt những chuyện siêu nhiên phục vụ cho các sự vật trần tục như phục vụ chúa tể của họ. Đúng ra họ phải làm ngược lại, tức là qui những thứ ấy về Thiên Chúa, nếu họ thực sự coi Ngài là Thiên Chúa của họ. Trong số những người này có Balaam, kẻ đã đem bán những ân sủng được Thiên Chúa ban cho (Ds 22,7). Cả Simon phù thủy cũng thuộc số này. Ông ta tưởng có thể đánh giá ân sủng Thiên Chúa bằng tiền bạc và muốn dùng tiền mua ơn Chúa (Cv18,18-19). Ông ta nghĩ tiền bạc rất giá trị và có thể tìm được người sẵn lòng đổi ân sủng để lấy tiền.

Thời nay có rất đông người thuộc về mức độ này, theo hàng ngàn cách khác nhau. Lý trí bị mù quáng do lòng tham, họ đánh giá các thực tại tâm linh cách rất lệch lạc. Họ phụng sự tiền bạc chứ không phụng sự Thiên Chúa. Họ chạy theo sự thúc giục của tiền bạc chứ không phải của Thiên Chúa. Họ coi trọng giá trị tiền bạc hơn giá trị và phần thưởng Thiên Chúa ban. Bằng nhiều cách thế, họ biến tiền bạc thành vị thần chính yếu và đích nhắm của họ. Thiên Chúa không còn là cùng đích của họ nữa.

10 - Thuộc về mức độ sau cùng này còn phải kể đến tất cả những linh hồn coi trọng của cải trần gian đến nỗi coi đó như là chúa của mình và không ngần ngại hy sinh cả mạng sống khi thấy rằng thứ chúa ấy của họ phải tạm thời giảm bớt đôi chút. Họ đâm ra tuyệt vọng và tự sát vì những mục đích tồi tệ, và tự đưa tay chỉ cho thấy thứ tiền công thảm bại nhận được do sự phục vụ vị thần của ho. Một khi họ chẳng còn hy vọng kiếm được chút gì nơi “thần tài”, ông thần này liền ban cho họ sự tuyệt vọng và cái chết. Còn những kẻ mà y không dẫn đến tai họa chung cục chết chóc này thì y cũng khiến họ dở sống dở chết trong những nỗi khổ tâm lo lắng và nhiều điều khốn nạn khác. Y loại trừ sự vui thỏa khỏi tâm hồn họ và chẳng để một điều tốt lành nào lóe sáng cho họ trên cõi dương trần. Những kẻ bất hạnh ấy phải liên lỉ nộp sự nghiêng chiều của họ cho thần tài như nộp thuế. Họ lao nhọc vì nó, dính bén với nó đến tận cái tai ương cuối cùng là sự diệt vong. Đó là điều nhà hiền triết đã cảnh báo: "Người giữ của lại chuốc họa vào thân" (Gv 5,12).

11 - Cũng thuộc về mức độ này là những kẻ mà thánh Phaolô bảo rằng: "Vì họ không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Ngài đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng" (Rm 1,28). Sự vui thỏa lôi kéo con người vào tất cả tai họa ấy khi họ đặt sự vui thỏa vào các của cải như là mục tiêu tối hậu.

Còn phần những kẻ chỉ bị thiệt hại ít hơn thì họ vẫn rất đáng thương bởi sự vui thỏa trên đây khiến linh hồn họ lùi xa trên nẻo đường của Thiên Chúa. Vì thế, Vua Đavít đã nói: "Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu" nghĩa là đừng ghen tị với kẻ khác vì nghĩ rằng họ hơn mình bởi vì "khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần" (Tv 48,17-18).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: