Thứ Năm, 6 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 5: Thiệt hại thứ ba

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 5
THIỆT HẠI THỨ BA *

Chương này bàn về thiệt hại thứ ba mà linh hồn mắc phải qua những nhận thức cụ thể tự nhiên của dạ nhớ.

1 - Điều thiệt hại thứ ba những nhận thức tự nhiên gây cho linh hồn là chúng tước đoạt, ngăn cản điều tốt về mặt luân lý và tước đoạt cả sự thiện tâm linh.

Trước hết để hiểu tại sao những nhận thức này lại ngăn cản điều tốt về mặt luân lý nơi linh hồn, cần biết rằng điều tốt về mặt luân lý cốt ở việc chế ngự các dục vọng và kìm hãm các mê thích vô trật tự, từ đó phát sinh ra nơi linh hồn sự tĩnh lặng, an bình, thanh thản và các nhân đức luân lý tức là điều tốt về mặt luân lý.

Thực ra, linh hồn không thể có được sự chế ngự và kìm hãm nói trên nếu không biết quên lãng và đẩy lùi những thứ làm phát sinh sự yêu thích. Chẳng bao giờ hỗn loạn có thể phát sinh trong linh hồn mà không do bởi những nhận thức nơi dạ nhớ. Nếu đã quên hết mọi sự thì không gì có thể quấy rối sự bình an và khiến cho các mê thích thức dậy, bởi vì như người ta thường nói: mắt không thấy thì lòng không vấy, không ham.

2 - Kinh nghiệm hằng ngày vẫn luôn cho ta thấy điều đó. Mỗi lần linh hồn tưởng nghĩ tới một chuyện gì đó thì liền bị giao động và lay chuyển vì chuyện ấy, không nhiều thì ít, tùy theo điều nó nhận thức. Nếu đó là điều nặng nề và gây khó chịu, linh hồn sẽ thấy buồn chán; nếu là điều dễ chịu, linh hồn sẽ thấy mê thích và vui thỏa...

Do đó, nếu linh hồn cứ để bị giao động vì những gì mình nhận thức, thế nào cũng đi đến chỗ xáo trộn, sẽ lúc vui, lúc buồn, lúc ghét, lúc thương, chẳng thể lúc nào cũng duy trì được cùng một trạng thái là kết quả của sự an tĩnh luân lý 一 trừ khi dám quên hết mọi sự.

Như vậy, rõ ràng những nhận thức của dạ nhớ đã ngăn cản linh hồn rất nhiều trong việc đạt được ơn lành của các nhân đức luân lý.

3 - Những gì đã nói đủ chứng tỏ cho thấy rằng dạ nhớ bị vướng víu sẽ gây trở ngại cho sự thiện tâm linh. Thật vậy, khi linh hồn bị giao động, không đặt nền trên sự thiện luân lý, thì không thể nào đạt được sự thiện tâm linh là điều chỉ có được nơi những linh hồn tiết độ và sống trong an bình.

Ngoài ra, linh hồn không thể chú tâm vào hai chuyện cùng một lúc. Do đó, nếu linh hồn đang chú tâm và xem trọng những điều đã nhận thức trong dạ nhớ thì sẽ không thể nào được tự do để chú tâm tới điều vượt sức nhận thức của ta, tức là Thiên Chúa. Là vì, như chúng tôi vẫn thường nói, muốn đạt đến Thiên Chúa, linh hồn phải đi qua con đường không hiểu biết hơn là con đường hiểu biết, và có đánh đổi những gì chóng qua và khả tri mới nhận được Đấng bất biến và không thể hiểu thấu.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: