Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 17: Sự vui thỏa

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 17
SỰ VUI THỎA *

Ở đây bắt đầu bàn về sự nghiêng chiều thứ nhất của lòng muốn là sự vui thỏa. Sự vui thỏa là gì và phân loại những điều có thể khiến cho lòng muốn được vui thỏa.

1 - Trong các xúc cảm của linh hồn và nghiêng chiều của lòng muốn trước tiên phải kể đến sự vui thỏa. Sự vui thỏa nói đây chính là sự thích thú của lòng muốn đối với một điều gì nào đó được mến chuộng và phù hợp với nó. Lòng muốn chỉ vui thỏa nơi những gì nó quí chuộng và khiến nó hài lòng.

Đây là thứ vui thỏa mang tính chủ động, trong đó linh hồn hiểu được cụ thể rõ ràng về điều nó vui thích, đồng thời nó cũng được tự do có thể vui hưởng hoặc không. Cũng có thứ vui thỏa khác mang tính thụ động, trong đó lòng muốn vui thích mà chẳng hề hiểu được rõ ràng cụ thể điều mình vui thích — trừ một vài trường hợp — và cũng không được tự do chọn cảm nhận hay không cảm nhận. Chúng tôi sẽ bàn đến thứ vui thỏa thụ động này sau. Còn bây giờ xin bàn đến thứ vui thỏa mang tính chủ động và chủ ý, phát sinh từ những điều cụ thể rõ ràng.

2 - Sự vui thỏa có thể phát sinh từ sáu điều tốt về các mặt: trần tục, tự nhiên, khả giác, luân lý, siêu nhiên và tâm linh. Chúng ta sẽ lần lượt nói đến từng loại, điều chỉnh lòng muốn cho phù hợp với lý trí để một khi không còn bị vướng bận những thứ ấy, lòng muốn sẽ hướng hết năng lực sự vui thỏa của nó vào Thiên Chúa.

Chúng ta cần nêu một nguyên tắc làm nền móng, như một cây gậy để luôn dựa vào. Cần nắm vững nguyên tắc này vì đây là ánh sáng dẫn đường, để am hiểu được học thuyết và để hướng mọi ơn lành ấy vào sự vui thỏa nơi Thiên Chúa. Nguyên tắc này như sau: Lòng muốn chỉ được vui thỏa nơi những gì đem lại danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa; và danh dự lớn lao nhất ta có thể dâng lên là phụng sự Thiên Chúa theo sự hoàn thiện mà Tin mừng đòi hỏi. Ngoài điều ấy ra, mọi thứ đều là vô giá trị và chẳng mang lại lợi ích gì cho con người.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: