Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 6: Những lợi ích khi biết tự buông quên

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 6
NHỮNG LỢI ÍCH KHI BIẾT TỰ BUÔNG QUÊN *

Chương này bàn về những lợi ích linh hồn nhận được khi quên hẳn mọi tư tưởng tự nhiên và nhận thức nơi dạ nhớ.

1 - Từ những thiệt hại xảy đến cho linh hồn qua những nhận thức nơi dạ nhớ, ta có thể suy ra những lợi ích ngược lại, phát sinh từ việc linh hồn buông quên và làm rỗng những điều đã nhận thức ấy; bởi lẽ, theo triết học thì một nguyên tắc đã áp dụng cho một nhân tố cũng áp dụng được cho điều trái ngược với nó.
Trước hết, nhờ sự buông quên ấy, người sống theo tâm linh sẽ được vui hưởng sự yên tĩnh và bình an linh hồn bởi không còn sự xáo trộn và biến đổi phát sinh từ những tư tưởng và nhận thức của dạ nhớ. Họ sẽ có được sự tinh tuyền nơi lương tâm và linh hồn, còn đáng giá hơn gấp bội. Nhờ đó, linh hồn hết sức sẵn sàng đón nhận cả khôn ngoan nhân loại và khôn ngoan thần linh cùng các nhân đức khác.

2 - Ngược với thiệt hại thứ hai, người sống theo tâm linh được giải thoát khỏi nhiều sự xúi giục, cám dỗ và lay động mà ma quỷ thường nhờ các tư tưởng và nhận thức để gieo vào khiến linh hồn mắc nhiều nhiễm uế và tội lỗi, như lời vua thánh Đavít: "Chúng chế giễu, buông lời thâm độc" (Tv 72,8). Do đó, một khi cái dụng cụ là tư tưởng bị loại bỏ, ma quỷ sẽ mất chỗ bám víu để dựa vào mà tấn công tâm trí.

3 - Ngược với thiệt hại thứ ba, nhờ buông quên và lắng lòng xa bỏ mọi điều ấy, linh hồn sẵn sàng để được Chúa Thánh Thần tác động và dạy dỗ. Như tác giả sách Khôn Ngoan có nói, "Thần khí rời xa những lý luận ngu dốt" (Kn 1,5).

Tuy nhiên, nhờ vào buông quên và làm rỗng dạ nhớ, dù người sống theo tâm linh không được lợi ích nào khác hơn là được thoát khỏi những đau khổ và xáo trộn, thì cũng đã là một thắng lợi và ơn lành lớn lao rồi. Bởi lẽ, những đau khổ và xáo trộn mà những vấn đề cũng như những trường hợp trái khoáy ấy gây ra cho linh hồn, chẳng những không giúp gì cho việc giải quyết các vấn đề và trường hợp ấy, mà thường còn khiến chúng ra tệ hơn và gây thiệt hại cho chính linh hồn. Vì thế, vua Đavít nói: "Thân lom khom, rã rời, kiệt sức, suốt cả ngày con thiểu não lang thang" (Tv 38,7). Quả vậy, sự náo động luôn là chuyện vô ích, chẳng bao giờ mang lại lợi lộc gì.

Như thế, dù mọi sự có tiêu vong và sụp đổ, dù mọi việc đều ngược hẳn ý ta, cũng đừng náo động làm gì vô ích vì sẽ gây thiệt hại hơn là giúp giải quyết vấn đề. Còn nếu biết chịu đựng mọi chuyện với một sự an bình thư thái như nhau thì không những sẽ ích lợi nhiều cho linh hồn mà hơn nữa 一 ngay giữa các nghịch cảnh ấy — sẽ còn giúp nhận định đúng về chúng và tìm ra được cách giải quyết thích hợp.

4 - Do biết rõ được lợi hại của điều ấy, vua Salômôn đã nói: "Tôi nhận ra rằng đối với con người không có hạnh phúc nào lớn hơn là vui thỏa, vui vẻ và làm lành trong cuộc đời mình" (Gv 3,12). Ông muốn ta hiểu rằng, trong mọi trường hợp ấy, dù trái ý đến đâu đi nữa, ta vẫn phải vui thỏa hơn là náo động, cứ đón nhận mọi thứ cách bình thản như nhau, để khỏi đánh mất mối lợi còn lớn lao hơn mọi sự thịnh vượng, tức là sự thư thái, sự bình an tâm hồn giữa mọi vấn đề trắc trở hoặc thuận lợi. Ta sẽ không bao giờ đánh mất sự thư thái ấy nếu biết buông quên các nhận thức và trút bỏ các tư tưởng, và hơn nữa, biết hết sức tránh để khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi giao tiếp. Bản thân chúng ta rất bấp bênh và mỏng dòn, cho nên dù được thao luyện kỹ, vẫn khó mà giữ cho dạ nhớ tránh khỏi những điều gây xáo trộn và bất ổn khiến tâm linh lại mất đi sự bình an thư thái đã có được nhờ buông quên tất cả. Bởi thế ngôn sứ Giêrêmia đã nói: "Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi" (Ac 3,20).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: