Thứ Năm, 20 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 16: Thanh tẩy lòng muốn

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 16
THANH TẨY LÒNG MUỐN *

Bắt đầu bàn về đêm tối của lòng muốn. Phân loại các nghiêng chiều của lòng muốn.

1 - Thanh tẩy trí hiểu để dựng xây đức tin, thanh tẩy dạ nhớ để vun trồng đức cậy cũng chỉ là luống công nếu chúng ta không thanh tẩy luôn lòng muốn vốn liên quan tới nhân đức thứ ba là đức mến. Nhờ đức mến, những việc được làm trong đức tin trở nên sống động và đầy giá trị, bằng không, các việc ấy chẳng có giá trị gì. Như thánh Giacôbê có viết: "Không có các việc làm của đức mến, đức tin sẽ chỉ là đức tin chết" (x. 2,20).

Để bàn về đêm và sự trơ trụi chủ động của lòng muốn nhằm đào luyện và kiện toàn nó về lòng yêu mến Thiên Chúa, chẳng điển chứng nào thích hợp hơn đoạn Thánh Kinh ở sách Đệ Nhị Luật nơi Môsê truyền dạy: "Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực của ngươi" (Đnl 6,5). Lời này hàm chứa tất cả những gì người sống theo tâm linh phải làm và những gì tôi muốn chỉ bảo họ ở đây, ngõ hầu được thực sự đến gần Thiên Chúa trong sự hiệp nhất cùng một lòng muốn với Ngài nhờ vào đức mến. Lệnh truyền này truyền cho ta phải sử dụng mọi quan năng, mê thích, hoạt động cũng như những tình cảm linh hồn dành cho Thiên Chúa tới mức tất cả mọi khả năng và sức mạnh của linh hồn đều dồn hết vào đó, như lời vua Đavít: "Lạy Thiên Chúa là sức mạnh của con, con ngước mắt nhìn Ngài" (Tv 58,10).

2 - Sức mạnh của linh hồn nằm nơi các quan năng, đam mê và mê thích của nó. Tất cả đều do lòng muốn điều động. Khi hướng các quan năng, đam mê và mê thích này về Thiên Chúa và điều khiển chúng xa tránh mọi thứ không phải là Thiên Chúa, lòng muốn duy trì được sức mạnh của linh hồn dành cho Thiên Chúa, do đó, đạt tới chỗ yêu mến Thiên Chúa với tất cả sức lực của mình.

Để linh hồn có thể làm được chuyện này, xin được nói về sự thanh tẩy lòng muốn khỏi tất cả mọi quyến luyến lệch lạc của nó, vốn làm phát sinh các mê thích, cảm tình và hoạt động lệch lạc khiến linh hồn không giữ được toàn vẹn sức lực mình cho Thiên Chúa.

Các nghiêng chiều hay xúc cảm này gồm bốn thứ: Vui thỏa, hy vọng, đớn đau và sợ hãi. Khi ta đặt những xúc cảm ấy dưới tác động của lý trí và qui hướng chúng về Thiên Chúa tới mức linh hồn chỉ vui thỏa hy vọng hay sầu buồn đối với những gì có thể góp phần vào danh dự, vinh quang Thiên Chúa, không hy vọng nơi điều gì khác, chỉ đau buồn về điều xúc phạm đến Thiên Chúa và chỉ biết kính sợ một mình Thiên Chúa, chắc chắn các xúc cảm ấy sẽ được định hướng và giữ được sức mạnh và khả năng của linh hồn cho Thiên Chúa. Vì linh hồn càng vui thỏa về điều gì khác ngoài Thiên Chúa thì sự vui thỏa nó dành cho Thiên Chúa càng yếu nhược, càng đặt hy vọng của nó nơi điều gì khác thì càng ít cậy trông vào Thiên Chúa, về các điểm khác cũng thế...

3 - Để triển khai học thuyết này, chúng tôi sẽ bàn riêng về từng điểm trong bốn xúc cảm và mê thích của lòng muốn. Trên đường tiến đến nên một với Thiên Chúa, ta cần phải thanh tẩy lòng muốn khỏi các quyến luyến và mê thích của nó, để nhờ đó, từ lòng muốn nhân loại thấp hèn, nó trở thành lòng muốn thần linh, nên một với lòng muốn của Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: