ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 20
CỦA CẢI TRẦN TỤC (2)*
Chương này bàn về những lợi ích linh hồn có được nhờ tránh xa sự vui thỏa nơi của cải trần tục.
1 - Người sống theo tâm linh phải lo sao cho trái tim và sự vui thỏa của mình đừng dính bén vào một của cải trần tục nào kẻo sự dính bén ấy sẽ tăng dần, từ ít đến nhiều, từ mức này đến mức khác; khởi đầu chỉ là chuyện nhỏ, đến cuối thành chuyện lớn, khác nào một tia lửa đủ thiêu hủy một trái núi và ngay cả toàn thế giới. Đừng chủ quan nghĩ rằng mình chỉ dính bén chút ít, chưa cắt ngay bây giờ về sau cắt vẫn được. Thế nhưng, nếu bạn không có can đảm cắt đứt khi sự dính bén còn yếu và mới ở bước đầu, làm sao bạn dám nghĩ mình sẽ cắt được khi sự dính bén đã lớn mạnh và ăn rễ sâu hơn? Trong Tin Mừng Chúa có nói: "Người nào bất trung trong việc nhỏ cũng sẽ bất trung trong việc lớn" (Lc16,10). Ai tránh cái nhỏ sẽ không bị rơi vào cái lớn hơn. Tuy nhiên ngay trong cái nhỏ vẫn có hiểm nguy lớn bởi nó đã tạo được vết nứt trên tường rào của trái tim. Người ta thường nói: “Khởi đầu một sự việc tức hoàn tất nó được một nửa rồi”. Vua Đavít cũng cảnh báo: "Dầu cho có dư dật của cải chúng ta cũng đừng đặt tâm hồn mình nơi chúng" (Tv 61,11).
2 - Dù không vì Thiên Chúa hoặc vì sự hoàn thiện Kitô giáo đòi hỏi, chỉ nguyên những lợi ích trần tục và tâm linh cũng đáng cho người ta hoàn toàn giải thoát lòng mình khỏi sự vui thỏa đối với những của cải nói trên. Như thế không những tránh được những thiệt hại nói ở chương trước mà còn đạt được sự thanh thoát, là một trong những điều kiện chính yếu để nên một với Thiên Chúa, và là nhân đức không thể đi đôi với lòng ham hố.
Ngoài ra, người ta còn đạt được sự tự do tâm linh, lý trí được sáng suốt, thư thái, an tịnh, cậy trông vào Thiên Chúa, thuận phục Thiên Chúa và lòng muốn sẵn sàng tuân theo lời Ngài.
Hơn nữa, càng siêu thoát khỏi các thụ tạo người ta càng được vui thỏa và thoải mái nơi chúng hơn. Người ta không thể có được điều ấy nếu như cứ nhìn ngắm chúng với lòng quyến luyến muốn chiếm hữu. Não trạng chiếm hữu là một sợi dây trói buộc, ghì kéo tinh thần người ta xuống đất và không để cho lòng họ mở rộng. (2Cr 6,11).
Một khi chẳng dính bén đến loài thụ tạo, người ta sẽ nhận thức rõ về chúng để nhận định đúng các sự thật liên can đến chúng về phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên. Do đó, cách họ vui hưởng những điều tốt lành trần thế khác hẳn so với cách của những kẻ gắn bó với chúng, đồng thời họ được hưởng những ơn ích và thuận lợi lớn hơn nhiều. Họ vui hưởng chúng theo bản chất đích thực của chúng còn những người kia thì theo sự giả trá của chúng. Một bên theo cái tốt hơn, bên kia theo cái xấu hơn. Một bên theo cái chính yếu, bên kia còn để cho giác quan dính bén cho nên chỉ theo được cái phụ tùy. Bởi giác quan không thể nào nắm bắt hay vượt quá giới hạn cái phụ tùy, còn tâm linh một khi được thanh tẩy khỏi áng mây và các thứ phụ tùy, sẽ thấu đạt sự thật và giá trị các sự vật, là đối tượng của nó. Sự vui thỏa nơi thụ tạo tựa áng mây làm tăm tối trí phán đoán, bởi lẽ sự vui thỏa có ý thức đối với loài thụ tạo bao giờ cũng ẩn chứa cái ý chiếm hữu từ bên trong. Sự vui thỏa mang tính đam mê bao giờ cũng hiểu ngầm là, nơi tâm hồn, người ta đã thường xuyên chiếm hữu những điều ấy. Như thế, việc chối bỏ và thanh tẩy một sự vui thỏa như thế sẽ làm cho trí phán đoán được sáng suốt tựa bầu khí trở nên thanh trong khi mây tan biến.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét