Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 7: Những nhận thức siêu nhiên

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 7
NHỮNG NHẬN THỨC SIÊU NHIÊN *

Chương này bàn về loại nhận thức thứ hai của dạ nhớ, tức là những nhận thức và tưởng tượng siêu nhiên.

1 - Những điều đã nói về những nhận thức tự nhiên nơi dạ nhớ cũng liên quan đến những hình sắc và nhận thức của trí tưởng tượng thuộc lãnh vực tự nhiên. Bây giờ xin nói riêng về những hình sắc và nhận thức khác được lưu giữ nơi dạ nhớ nhưng lại thuộc về lãnh vực siêu nhiên; chẳng hạn các thị kiến, mạc khải, lời nói hay tình cảm nhận được qua con đường siêu nhiên. Khi những chuyện khác thường này diễn ra nơi linh hồn, chúng thường để lại đó, nơi dạ nhớ hoặc nơi trí tưởng tượng, những hình ảnh, hình sắc hoặc nhận thức, đôi khi rất sống động và đầy ấn tượng. Vì thế chúng tôi cũng cần lưu ý bạn đọc về việc này, để dạ nhớ khỏi bị lúng túng trong những chuyện ấy và để những chuyện ấy khỏi ngăn trở dạ nhớ tiến tới nên một với Thiên Chúa trong đức cậy tinh tuyền và hoàn hảo.

2 - Tôi xin nói ngay rằng linh hồn nào muốn đạt mục đích thì không bao giờ được suy tư về những chuyện khác thường, rõ ràng và cụ thể đã xảy đến cho mình qua nẻo đường siêu nhiên, để níu giữ những hình thể hình sắc và nhận thức về chúng. Cần phải luôn ghi nhớ nguyên tắc này: Linh hồn càng gắn bó với một nhận thức rõ ràng và cụ thể nào đó, hoặc tự nhiên hoặc siêu nhiên, thì càng ít khả năng và ít sẵn sàng để lao vào vực thẳm đức tin, nơi mà mọi thứ khác đều biến tan. Như chúng tôi đã nói, trong những hình sắc hoặc nhận thức siêu nhiên đã có thể rơi vào dạ nhớ, không một thứ gì có thể là Thiên Chúa (không tương xứng chút nào với Thiên Chúa và cũng không thể là phương cách dẫn tới Thiên Chúa). Muốn đến với Thiên Chúa, linh hồn phải làm cho mình trống rỗng hết tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Dạ nhớ phải tự giải trừ hết mọi hình sắc và nhận thức ấy để nên một với Thiên Chúa trong đức cậy tuyệt hảo. Bởi lẽ mọi chiếm hữu đều nghịch với đức cậy, nhu lời thánh Phaolô có nói: "Đức cậy nhắm đến những gì người ta chưa chiếm hữu" (x. Rm 8,24; Dt 11,1).

Do đó, dạ nhớ càng buông bỏ, càng có thêm đức cậy và càng thêm đức cậy càng được nên một với Thiên Chúa. Linh hồn càng trông cậy Thiên Chúa, càng đạt đến Ngài nhiều hơn. Mức độ trông cậy của linh hồn tỉ lệ với mức độ buông bỏ của nó. Như thế, khi linh hồn buông bỏ trọn vẹn thì cũng sẽ chiếm hữu Thiên Chúa trọn vẹn và được nên một với Ngài trọn vẹn. Tiếc thay, nhiều nguời không muốn mất sự dịu dàng và hoan lạc do các nhận thức nơi dạ nhớ, cho nên cũng không đạt đến chỗ chiếm hữu trọn vẹn được sự thiện tối cao và sự dịu dàng tột đỉnh. Quả đúng là "kẻ nào không từ bỏ mọi thứ mình có thì không thể là môn đệ Chúa Giêsu" (x. Lc 14,33).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: