Thứ Ba, 25 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 19: Của cải trần tục

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 19
CỦA CẢI TRẦN TỤC *

Chương này bàn về những thiệt hại linh hồn có thể gặp phải khi đặt sự vui thỏa nơi của cải trần tục.

1 - Hẳn chúng tôi sẽ không đủ giấy mực lẫn thời gian để suy diễn những tệ hại linh hồn phải chuốc lấy khi để lòng muốn của mình nghiêng chiều theo của cải trần tục. Những chuyện vụn vặt lúc đầu có thể dẫn tới những tai họa khủng khiếp và hủy hoại những ơn lành lớn lao, khác nào từ một tia lửa không chịu dập tắt có thể làm phát sinh nhiều đám cháy lớn thiêu hủy cả thế giới.

Tất cả tệ hại ấy đều bắt nguồn từ một sự mất mát hệ trọng mà sự vui thỏa nơi của cải trần tục gây ra: đó là sự xa lìa Thiên Chúa. Khi linh hồn đến với Thiên Chúa nhờ lòng muốn biết nghiêng chiều về Ngài, thì từ đó sẽ phát sinh ra mọi ơn lành. Còn khi linh hồn đến gần Thiên Chúa với sự nghiêng chiều của lòng muốn thì nhờ đó tất cả mọi điều tốt sẽ đến với linh hồn. Cũng thế, khi linh hồn xa rời Thiên Chúa vì quyến luyến thụ tạo, thì mọi khổ đau và thiệt hại sẽ đè nặng linh hồn tùy theo mức độ vui thỏa và sự nghiêng chiều đang gắn chặt nó với loài thụ tạo và đang khiến nó xa lìa Thiên Chúa. Linh hồn bị tác hại nhiều hay ít, về tầm vóc cũng như cường độ, là tùy theo họ xa lìa Thiên Chúa tới mức nào.

2 - Thứ tệ hại gây mất mát này làm phát sinh những những tệ hại khác, mang tính tước đoạt hoặc phá rối. Nó gồm bốn mức độ, mức nọ tệ hại hơn mức kia. Những ai đã mắc phải mức thứ tư, sẽ hứng chịu đủ mọi tệ hại và xấu xa mà chúng ta có thể kể ra được. Môsê đã ghi lại kỹ càng bốn mức độ này nơi sách Đệ Nhị Luật qua những lời sau: "Kẻ ta yêu mến béo phì và hất chân đá hậu. Nó mập, béo và phát phì ra. Nó đã bỏ Thiên Chúa, Đấng tạo ra nó và lìa xa Thiên Chúa, Núi Đá độ trì nó" (x. Đnl 32,15).

3 - Linh hồn vốn từng được yêu dấu giờ đây đâm ra béo phì, tức là dìm mình vui thỏa với loài thụ tạo. Từ đây nẩy sinh mức độ tệ hại thứ nhất tức là linh hồn bị thụt lùi. Tâm trí thành đờ đẫn không còn hướng về Thiên Chúa. Sự đờ đẫn làm mờ tối hết các ơn Thiên Chúa ban khác nào áng mây che tối khí trời, cản ánh sáng mặt trời soi chiếu.

Thật vậy, một khi đặt sự vui thỏa vào một thứ gì đó và buông thả cho xúc cảm chạy theo những chuyện phù phiếm, người sống theo tâm linh sẽ bị tối tăm về phíaThiên Chúa, trí phán đoán vốn nhạy bén sẽ bị lu mờ. Đó là điều Chúa Thánh Thần đã dạy nơi sách Khôn Ngoan: "Vì sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác" (Kn 4,12). Qua đó Chúa Thánh Thần muốn ta hiểu rằng ngay cả trước khi trí hiểu kịp manh nha một chút ác ý, chỉ nguyên sự thèm muốn và vui thỏa về những thứ phù phiếm nói trên đủ gây cho linh hồn mức độ tệ hại đầu tiên này, khiến tinh thần thành đần độn và trí phán đoán thành mù tối không còn hiểu đúng sự thật và xét định cho đúng được mọi sự.

4 - Bao lâu ta còn nhượng bộ đôi chút cho dục vọng hoặc còn tìm vui thỏa nơi các sự vật trần tục thì sự thánh thiện và phán đoán đúng mà ta có được vẫn chưa đủ để giữ ta khỏi rơi vào mối tệ hại này. Bởi thế, qua ông Môsê, Thiên Chúa dạy: "Ngươi không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ sáng mắt hóa ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính" (Xh 23,8).

Lời khuyên ấy dành riêng cho những người sắp làm thẩm phán vì họ cần phải có óc phán đoán sáng suốt và nhạy bén. Họ sẽ không giữ được như thế nếu lòng họ còn ham hố và thích nhận quà cáp.

Do đó, Thiên Chúa đã truyền cho Môsê phải giao trách nhiệm thẩm phán cho những người biết ghê sợ tính tham lam hà tiện để phán đoán của họ không bị hư hỏng do tìm no thỏa các đam mê. (x. Xh 18,21-22).

Không những Thiên Chúa bảo các thẩm phán đừng ham muốn mà còn bảo họ phải ghê sợ tính tham lam hà tiện. Để hoàn toàn thoát khỏi nghiêng chiều về điều gì đó thì phải ghét bỏ điều ấy. Phải đấu tranh với một nghiêng chiều bằng điều ngược lại. Lý do khiến Samuel luôn là một vị thẩm phán rất công minh và sáng suốt, như ông xác nhận nơi sách Samuel quyển I (1Sm 12,3), là vì ông chẳng hề nhận quà cáp của ai.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: