Thứ Hai, 10 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 9: Tự hào và tự phụ

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 9
TỰ HÀO VÀ TỰ PHỤ *

Chương này bàn về loại thiệt hại thứ hai là nguy cơ rơi vào tự hào và tự phụ hão huyền.

1 - Những nhận thức siêu nhiên của dạ nhớ nói trên, nếu người sống theo tâm linh chú tâm xem trọng, cũng là một nguy cơ dễ khiến họ rơi vào tự phụ hoặc vênh vang. Do đó ai không dính líu tới những điều đã nhận thức ấy thì khỏi bị rơi vào thói xấu này bởi chẳng thấy nơi mình có gì để tự phụ, còn trái lại, ai tha thiết với chúng là có nguy cơ rơi vào chỗ tưởng mình hẳn phải thế nọ thế kia mới có được những thông giao siêu nhiên này. Mặc dù quả tình người ta có thể quy những ơn ấy về Thiên Chúa và cảm tạ Chúa, tự nhận mình bất xứng; thế nhưng trong tâm trí họ vẫn thường đọng lại một sự tự mãn ngấm ngầm, vừa tự hào về những ơn ấy vừa tự hào về chính mình. Bởi vậy, dù họ không ý thức, vẫn nẩy sinh nơi họ sự kiêu hãnh tâm linh.

2 - Điều ấy có thể lộ ra khá rõ qua thái độ họ không hài lòng và xa tránh những ai không ca tụng đường tâm linh của họ, không đánh giá cao những chuyện thông giao họ có được. Họ phiền lòng khi nghĩ hoặc nghe nói rằng những người khác cũng có những kinh nghiệm thông giao như 一 hoặc còn cao siêu hơn những thông giao của họ. Tất cả những điều đó nảy sinh do sự tự hào và kiêu ngạo ngấm ngầm. Những con người như thế có thể vô tình không hiểu rằng họ đang lún sâu vào sự kiêu ngạo tới tận cổ rồi. Họ nghĩ rằng chỉ cần nhận biết sự khốn cùng của mình đôi chút là đủ nhưng đồng thời họ lại chất đầy sự tự hào tự mãn mà không ngờ. Họ nghĩ đường nội tâm và những điều tốt về mặt tâm linh của mình vượt hơn kẻ khác. Họ hệt như gã biệt phái cảm tạ Thiên Chúa vì y không giống những kẻ khác và vì y có được nhân đức này nọ khiến y hài lòng về mình và đâm ra tự phụ (Lc 18,11-12). Mặc dù không công nhiên nói ra những điều trên như gã biệt phái nọ, những người này vẫn thường xuyên có thái đô ấy trong lòng. Một số người còn quá kiêu căng đến nỗi trở thành xấu xa hơn cả ma quỷ. Khi thấy mình có được đôi nhận thức và tâm tình sùng mộ ngọt ngào về Thiên Chúa, họ liền thỏa mãn tới độ nghĩ rằng mình đã kề cận Thiên Chúa và nghĩ rằng những người không có được những loại nhận thức như thế đều ở trong tình trạng rất thấp kém rồi khinh bỉ những người ấy như gã biệt phái nọ đối với người thu thuế.

3 - Để tránh khỏi điều tệ hại như ôn dịch và đáng ghê tởm trước nhan Thiên Chúa như thế, ta cần lưu tâm hai điều:

Một là nhân đức không nằm nơi những nhận thức và rung cảm về Thiên Chúa, dẫu cao siêu tới đâu, cũng không nằm nơi bất cứ điều gì tương tự có thể cảm nhận nơi mình. Trái lại, nhân đức nằm nơi những gì họ không hề cảm nghiệm được, tức là nơi một tâm tình khiêm nhường sâu thẳm, khinh chê chính mình và mọi thứ của mình (đây là điều rất rõ nét và nhạy cảm nơi linh hồn), thích được những người khác cũng nghĩ về mình như thế và chẳng muốn được coi trọng chút gì trong lòng kẻ khác.

4 - Hai là phải nhớ rằng mọi thị kiến, mạc khải và tình cảm thuộc thiên giới, cùng tất cả những gì tương tự người ta có thể nghĩ ra, không giá trị bằng một hành động khiêm nhường nhỏ bé nhất, bởi sự khiêm nhường mang lại những hiệu quả của đức mến. Người khiêm nhường không coi trọng những điều mình có được và cũng không kiếm tìm chúng. Người ấy chẳng nghĩ xấu cho ai khác ngoài chính mình, cũng chẳng nghĩ tốt gì cho mình mà chỉ nghĩ tốt cho kẻ khác (1Cr 13,4-7). Vì thế, ta không nên dán mắt vào những nhận thức siêu nhiên này nhưng hãy tìm buông quên chúng đi để được thư thái tự do.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: